Bộ Tài chính nỗ lực hành động vì một Chính phủ kiến tạo
Cùng với việc trình Quốc hội thông qua các dự án Luật về thuế, hải quan, Bộ Tài chính còn trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định, trong đó có những nghị định được ban hành để sửa nhiều nghị định. Cách làm này đã rút ngắn được thời gian sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về thuế, hải quan, sớm đưa các quy định về cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.
Chung tay tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp
Với mục tiêu thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị quyết: Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2015 và một số Nghị quyết chuyên đề.
Trong đó, nhiều giải pháp về thuế, hải quan được giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành hoặc xử lý theo thẩm quyền.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, hàng năm Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính, trong đó: Cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ được giao; Phân công cụ thể đơn vị chủ trì hoặc phối hợp thực hiện; Thời gian thực hiện và tiến độ hoàn thành.
Bộ Tài chính còn ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được giao, để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các giải pháp về thuế, hải quan đã được Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu theo hướng: Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; đơn giản hóa, công khai hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thuế, hải quan, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Để tạo khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm tiếp tục triển khai các yêu cầu về đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế và hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch của thể chế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều Nghị quyết về thuế, hải quan. Cụ thể:
- Năm 2012: Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (tháng 5/2012); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (tháng 10/2012); Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân;
- Năm 2013: Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) (tháng 5/2013); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (tháng 5/2013); Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH ngày 12/11/2013 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, thay thế Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12;
- Năm 2014: Đã xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 04 dự án Luật gồm: Luật Hải quan (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế.
- Năm 2015 và 2016: Tính đến tháng 4/2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Phí, lệ phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/NQ-UBTVQH11 về Biểu thuế bảo vệ môi trường tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 3/2015.
Cùng với việc trình Quốc hội thông qua các dự án Luật về thuế, hải quan, Bộ Tài chính còn trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định. Trong đó, có những nghị định được ban hành để sửa nhiều Nghị định như: Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung 04 Nghị định (gồm: Nghị định số 218/2013/NĐ-CP; Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; Nghị định số 65/2013/NĐ-CP; Nghị định số 83/2013/NĐ-CP); Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 sửa đổi 5 Nghị định (gồm: Nghị định số 218/2013/NĐ-CP; Nghị định số 65/2013/NĐ-CP; Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; Nghị định số 50/2010/NĐ-CP; Nghị định số 83/2013/NĐ-CP).
Cách làm này đã rút ngắn được thời gian sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về thuế, hải quan, sớm đưa các quy định về cải cách hành chính, qua đó, giúp rút ngắn thời gian kê khai, nộp thuế của DN và thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, thời gian nộp thuế của DN (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm), đã giảm theo các năm. Cụ thể: Năm 2010 còn 650 giờ/năm; năm 2011, năm 2012 còn 569 giờ/năm; năm 2013 còn 537 giờ/năm; đến cuối năm 2014 còn 167 giờ/năm và năm 2015 giảm tiếp khoảng trên 50 giờ (còn dưới 117 giờ/năm).
Với phương thức thông quan điện tử, từ năm 2014 thời gian trung bình để giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ xuống còn 34 giờ. Hàng xuất khẩu cũng chỉ còn 6 giờ, thay vì 16 giờ như trước. Riêng hàng luồng xanh (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và thực tế hàng hóa), thời gian thông quan chỉ còn 1-3 giây. Tương tự, hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ mất vài phút thay vì hàng giờ như trước kia ở khâu giám sát hải quan.
Bên cạnh đó, hệ thống khai thuế qua mạng tiếp tục được mở rộng. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai cho 63/63 tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2016, 99,47% số DN đang thuộc diện quản lý thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet.
Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 95,31%. Số lượng DN thực tế sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt trên 80%. 27 ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu thuế điện tử trên toàn quốc.
Hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho phép sử dụng chứng từ điện tử có gắn chữ ký số để khai báo hải quan qua mạng Internet.
Tính đến ngày 31/5/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã chính thức kết nối với 09/14 bộ, ngành với 31 thủ tục, trên 90.000 hồ sơ và 6.000 DN tham gia; Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức độ 4 đối với 73 thủ tục hành chính về khai báo, thông quan hàng hóa, phương thức vận chuyển đường biển, thanh toán thuế, phí và lệ phí, chiếm 44% tổng số thủ tục hành chính công về hải quan. 28 ngân hàng thương mại đã tham gia phối hợp thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bằng điện tử...
Những kết quả nêu trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, duy trì môi trường đầu tư ổn định, cải thiện vị trí xếp hạng Môi trường kinh doanh của Việt Nam với việc “Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2016”.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện tại 140 nước cũng đã chỉ ra rằng: Việt Nam đứng thứ 56 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015-2016, tăng 12 bậc so với giai đoạn 2014-2015 và là thứ hạng cao nhất của Việt Nam đạt được giai đoạn 2006-2015.
Điều này đồng nghĩa với việc môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và là một điểm đến quan trọng trong chiến lược đầu tư kinh doanh của nhiều nhà đầu tư trên thế giới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù đã tạo được những chuyển biến tích cực, dường như là chưa đủ để có thể có những thay đổi thực sự có tính đột phá cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo báo cáo Kinh doanh năm 2016 của Ngân hàng Thế giới, mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 90/189 nền kinh tế, chỉ số đạt mức điểm trung bình (62,1/100).
Các lĩnh vực đánh giá kém thuận lợi và có điểm trung bình và dưới trung bình là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (122/189), tiếp cận điện năng (108/189), khởi sự kinh doanh (119/189). Hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều chưa đạt so với mức trung bình của 10 nền kinh tế thuận lợi nhất cho kinh doanh trên thế giới.
Tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động kèm theo Quyết định số 1239/QĐ-BTC ngày 31/05/2016.
Chương trình hành động hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện; Quy định rõ chế độ báo cáo, cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Trên cơ sở các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP, Chương trình hành động đã cụ thể hóa tại 3 nhóm nhiệm vụ, với 34 giải pháp và 46 sản phẩm đầu ra như sau:
Nhóm thứ nhất về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN
Một là, triển khai quyết liệt, đúng thời hạn và hiệu quả các quyết định và chỉ đạo của Bộ Tài chính có liên quan nhằm cải cách hành chính nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện Chính phủ điện tử;
Hai là, rà soát đánh giá hiện trạng trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo từng lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính liên quan đến DN; Nghiên cứu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chưa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ;
Ba là, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DN nhà nước.
Nhóm thứ hai về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN
Nhóm gồm 23 giải pháp gắn với 36 sản phẩm đầu ra, các giải pháp tập trung vào việc nghiên cứu, rà soát, tổng kết, đánh giá, đề xuất và soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế, về tín dụng cho DN; Sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan; Tái cấu trúc thị trường chứng khoán; Bổ sung cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài; Phát triển thị trường trái phiếu DN; Đẩy mạnh triển khai các mô hình quỹ tương hỗ. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015.
Nhóm thứ ba giảm chi phí kinh doanh cho DN
Với 5 giải pháp gắn với 5 sản phẩm đầu ra, các giải pháp tập trung vào việc rà soát các quy định về đất đai, về các yếu tố đầu vào của sản xuất. Nhất là các yếu tố đầu vào của hoạt động vận tải, để ban hành các văn bản điều chỉnh giảm các chi phí. qua đó, góp phần giúp DN làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.
Hiện nay, nhiều nhiệm vụ và giải pháp thuộc Chương trình hành động của Bộ Tài chính đã được triển khai đúng tiến độ như trình Chính phủ ký ban hành 05 Nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh để phù hợp với Luật Đầu tư; Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13 đã hoàn tất thủ tục soạn thảo, chỉnh lý và đang được trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN năm 2016 đang được hoàn tất để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương...
Với những hoạt động tích cực trên, tin tưởng rằng những chính sách tài chính đã được ban hành trong những năm vừa qua sẽ tiếp tục tạo thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 26/QĐ-BTC ngày 05/1/2013 và Quyết định số 07/QĐ-BTC ngày 02/01/2014 về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính năm 2013, năm 2014;
2. Quyết định 3263/QĐ-BTC ngày 17/12/2014 và Quyết định số 2765/QĐ-BTC ngày 24/12/2015 về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2014 và năm 2015;
3. Quyết định số 2765/QĐ-BTC ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP và các Thông báo chỉ đạo của Bộ thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP trong lĩnh vực Thuế, Hải quan;
...