Hạn chế thất thoát tài sản nhà nước từ sử dụng nhà, đất công

PV.

Bộ Tài chính hiện đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thay thế cho 2 quyết định: Quyết định số 09/2007/QĐ- TTg về việc sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Quyết định số 86/2010/QĐ- TTg về thực hiện cơ chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị nhằm xử lý triệt để tình trạng sử dụng sai quy định, gây lãng phí nguồn tài sản công.

Hạn chế thất thoát tài sản nhà nước từ sử dụng nhà, đất công.
Hạn chế thất thoát tài sản nhà nước từ sử dụng nhà, đất công.

Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, qua 9 năm triển khai thực hiện sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, đến nay, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 123.413/153.573 cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại, xử lý của các bộ, ngành và địa phương (đạt tỷ lệ 80,4%).

Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng khoảng 1.856,2 triệu m2 đất, 108,3 triệu m2 nhà; bán, chuyển nhượng gần 6,3 triệu m2 đất; thu hồi trên 9 triệu m2 đất; chuyển mục đích sử dụng đất trên 3,3 triệu m2. Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất trên phạm vi cả nước đạt trên 35.000 tỷ đồng.

Thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất, các cấp, các ngành đã có sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp Nhà nước trong việc quản lý hiệu quả tài sản công.

Bên cạnh đó, việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư vào xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Để tiếp tục phát huy những hiệu quả thực tiễn của công tác này cũng như xử lý triệt để tình trạng sử dụng, sắp xếp nhà, đất công sai quy định, gây lãng phí nguồn tài sản nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều điểm mới vào dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Theo đó, đối với nhà, đất công sử dụng không hiệu quả, sai quy định, Nhà nước thu hồi giao cho tổ chức khác sử dụng để tạo nguồn lực từ quỹ nhà, đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, dự thảo sẽ đưa ra 2 phương án về xử lý nhà, đất công sử dụng chưa đúng quy định. Phương án thứ nhất được áp dụng với trường hợp nhà, đất đang cho thuê, liên doanh, liên kết toàn bộ hoặc một phần khuôn viên mà có thể tách ra thành 1 cơ sở độc lập, thì thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Phương án thứ hai là sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan đối với trường hợp nhà, đất không thể tách ra thành cơ sở độc lập.

Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế rà soát chặt chẽ quỹ nhà đất của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo trong quá trình cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn không thất thoát tài sản nhà nước.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước được sử dụng số tiền bán tài sản trên đất và tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền đền bù, hỗ trợ về đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất sau khi trừ chi phí liên quan được nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.