Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước
Trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Bộ Tài chính giao. Qua đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả trong lĩnh vực này.
Tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý thu, chi ngân sách và sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN là một trọng những nội dung trọng tâm trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Bộ Tài chính.
Nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính xác định là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo quy định. Đồng thời, quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau. Thực hiện rà soát toàn bộ các khoản chi thường xuyên chuyển nguồn ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2023 để thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản chuyển nguồn không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính đề ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Bộ Tài chính giao. Trong đó, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao.
Cùng với đó, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… Từ đó, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương và chi các nhiệm vụ cấp bách khác.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình bảo đảm đúng quy định pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, từng bước giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghiêm cấm quyết toán chi ngân sách không đúng thủ tục, sai nội dung
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Luật NSNN trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán NSNN. Hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách để chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu NSNN.
Trong đó, Bộ Tài chính giao Vụ Ngân sách nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đẩy mạnh phân cấp đồng thời nâng cao tính chủ động cho các địa phương trong việc quyết định, sử dụng ngân sách; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với một số địa phương có điều kiện, đặc biệt là các đô thị lớn nhằm huy động các nguồn thu, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số nội dung chi thường xuyên NSNN, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý các công việc trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, qua đó tiết kiệm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu..., chi phí đi lại, ăn ở của đại biểu.
Cùng với đó, thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo; chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế; hạn chế phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí NSNN. Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý để kết hợp tổ chức các cuộc họp một cách hợp lý. Các đơn vị thực hiện quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào đúng người, đúng mục đích và phải căn cứ vào dự toán và danh mục đoàn ra, đoàn vào được phê duyệt từ đầu năm của mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN. Hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài bổ sung không theo dự toán, danh mục từ đầu năm; chỉ bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt cần thiết.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả; cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả. Thực hiện tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí các đề tài nghiên cứu khoa học.
Các đơn vị tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nâng cao mức độ tự chủ tài chính, tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công khai, dân chủ trong điều hành, tổ chức thực hiện dự toán, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật về quy chế công khai tài chính đối với các cấp NSNN, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn NSNN.
Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính sử dụng kinh phí NSNN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về quyết toán NSNN của đơn vị mình và có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán NSNN đối với đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính nghiêm cấm việc quyết toán chi NSNN không có khối lượng, không đúng thủ tục, sai nội dung; phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp chi sai quy định.