Bộ Tài chính: Tiếp tục nghiên cứu tính thuế đối với ôtô nội


Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới đối với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều lo lắng là liệu điều này có vi phạm các cam kết quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015/NĐ-CP.

Không tính thuế đối với linh kiện phụ tùng tạo ra trong nước

Theo đó, Bộ Tài chính đã có giải trình liên quan tới việc giá tính thuế TTĐB với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước cho xe ôtô nội địa. Trong đó, giá tính thuế TTĐB đối với ôtô dưới 9 chỗ sản xuất trong nước sẽ là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết Luật số 106/2016 sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế hiện nay quy định về giá tính thuế TTĐB với hàng hóa sản xuất trong nước. Trong đó, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế TTĐB (trong đó có ôtô) là giá do cơ sở sản xuất bán ra.

Vì vậy, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và đề xuất phương án mới. Bộ Tài chính cho biết nếu sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB với ôtô theo hướng không tính thuế đối với linh kiện phụ tùng tạo ra trong nước thì phải sửa quy định tại khoản 1 điều 6 Luật thuế TTĐB này.

Cụ thể, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Thận trọng trong áp dụng các cam kết quốc tế

Theo các quy tác đối xử quốc gia nêu tại khoản 1 và 5 của Điều III, Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì trường hợp giá tính thuế TTĐB được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, Hiệp định chung về thuế và thương mại của WTO nêu lên: "Các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy định định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỷ trọng xác định, không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa."

Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc nếu hướng dẫn giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện một số nước cũng áp dụng quy định (cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô sản xuất trong nước) trong một thời gian ngắn 3-5 năm để trong trường hợp bị kiện thì quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực (như tại Thái Lan hay Indonesia).

Bộ Tài chính cho biết vẫn đang tiếp tục thận trọng nghiên cứu các phương án tối ưu để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa Luật thuế TTĐB.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xác định giá tính thuế như trên sẽ khuyến khích sản xuất lắp ráp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ôtô trong nước. Tuy nhiên, Bộ này đề nghị cần nghiên cứu quy định trên để không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử WTO và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là những Hiệp định có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực ôtô.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất thay đổi cách tính thuế này đối với xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hoá.