Bộ Tài chính và Uỷ ban châu Âu thúc đẩy hợp tác song phương

Trần Huyền

Chiều ngày 26/4/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà có cuộc làm việc với ông Jean-Louis Ville – Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, Tổng Vụ Đối tác quốc tế, Ủy ban châu Âu để trao đổi các nội dung hai bên cùng quan tâm.

Toàn cảnh cuộc làm việc.
Toàn cảnh cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc còn có ông Aliberti Giorgio - Đại sứ EU tại Việt Nam cùng lãnh đạo các ban và cán bộ của Phái đoàn EU tại Việt Nam. Về phía Bộ Tài chính Việt Nam có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc và trực thuộc Bộ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, thời gian vừa qua, EU đã hỗ trợ Bộ Tài chính qua các dự án rất quan trọng, giúp Bộ Tài chính hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cán bộ, đặc biệt là cán bộ hoạch định chính sách và giám sát quá trình thực thi.

Hiện tại, EU đang triển khai Dự án Tăng cường quản trị kinh tế ở Việt Nam qua GIZ, thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có tăng cường dự báo ngân sách, quản lý nợ ở Trung ương và địa phương, quản lý thuế, triển khai cam kết của Việt Nam trong OECD về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPs)...

Để sớm triển khai Dự án Hợp phần 1 của Chương trình, Thứ trưởng đề nghị EU quan tâm, thúc đẩy việc ký Thoả thuận uỷ thác triển khai dự án và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc quản lý và thực hiện Dự án. Thứ trưởng tin tưởng, với sự ủy thác của EU cho GIZ, dự án này sẽ thành công tốt đẹp. GIZ là tổ chức có nhiều kinh nghiệm, thời gian dài hoạt động tại Việt Nam nên hiểu cách thức triển khai dự án.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá, đây là cuộc hop bổ ích tạo điều kiện cho Bộ Tài chính tiếp tục hợp tác với EU trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá, đây là cuộc hop bổ ích tạo điều kiện cho Bộ Tài chính tiếp tục hợp tác với EU trong thời gian tới.

Chia sẻ về phát triển kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện chủ trương về tiêm vắc xin, trong quá trình đó đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ EU cũng như các nền kinh tế trên trên thế giới như: hỗ trợ về vắc xin, kinh tế... Đây là hỗ trợ ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn do đại dịch.

Trong năm 2022, trên đà của năm 2021, quý I/2022, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt. Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã quyết định Chương trình phục hồi kinh tế quy mô hơn 15 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay nhằm tiếp tục phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch. Chương trình này tập trung 4 nội dung chính: Giảm thuế VAT 2% với các đối tượng chịu thuế 10%; tăng chi đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, y tế dự phòng, tuyến khám chữa bệnh, chuyển đổi số; hỗ trợ lãi suất cho một số ngành, lĩnh vực; hỗ trợ tạo việc làm qua chính sách cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo việc làm cho xã hội.

Để thực hiện Chương trình, nguồn lực rất quan trọng. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường huy động nguồn lực trong nước qua các khoản thu về thuế phí và chủ trương huy động qua hình thức vay vốn và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng nhu cầu chương trình.

Về tăng trưởng xanh, đưa phát thải nhà kính về 0 vào năm 2050 là mục tiêu lớn Việt Nam đã cam kết và theo đuổi. Để triển khai mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia về giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Trong chương trình hành động phải xây dựng nội dung cụ thể để triển khai mục tiêu. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần huy động nguồn lực tư nhân thực hiện mục tiêu này...

Ông Jean-Louis Ville – Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, Tổng Vụ Đối tác quốc tế, EU phát biểu tại cuộc làm việc.
Ông Jean-Louis Ville – Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, Tổng Vụ Đối tác quốc tế, EU phát biểu tại cuộc làm việc.

Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ông Jean-Louis Ville cho rằng, nhờ hành động quyết đoán của Chính phủ, Việt Nam đã kiềm chế được tác động của đại dịch. Việt Nam có sự phục hồi nhanh chóng thể hiện qua các con số và dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 theo ADB, kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ.

Theo ông Jean-Louis Ville, về dài hạn, Việt Nam cần tìm các giải pháp để tăng cường nguồn thu cho ngân sách, phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính công, hiện đại hóa nợ công, minh bạch ngân sách đặc biệt là trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công... Đây là những nỗ lực của Việt Nam. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong chặng đường thực hiện sắp tới của Việt Nam."- ông Jean-Louis Ville nhấn mạnh.

Theo ông Jean-Louis Ville, cam kết của Việt Nam tại COP26 và chiến lược của EU về tăng trưởng xanh có nhiều điểm tương đồng. EU đã có bước đi cho tăng trưởng xanh, trái phiếu chính phủ xanh, nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, các sản phẩm tài chính bền vững. Do đó, EU có thể hỗ trợ các giải pháp cũng như giúp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã đưa ra.

Ông Jean-Louis Ville khẳng định, Bộ Tài chính là đối tác then chốt tại Việt Nam của EU trong hợp tác về kỹ thuật, đối thoại chính sách ở nhiều lĩnh vực liên quan, đồng thời hợp tác song phương giữa hai bên cũng đạt hiệu quả cao. Ông Jean-Louis Ville bày tỏ mong muốn mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục được tăng cường và hiệu quả hơn nữa.

Tại cuộc làm việc, hai bên cũng đã trao đổi cụ thể về cơ chế tài chính hỗn hợp và bảo lãnh của EU và khả năng hợp tác; danh sách của EU về các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác về thuế và cập nhật tình hình thực hiện các cam kết của Việt Nam. Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá, đây là cuộc hop bổ ích tạo điều kiện cho Bộ Tài chính tiếp tục hợp tác với EU trong thời gian tới.