Cắt giảm nếu không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022

Trần Huyền

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn chậm. Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được xem như một trong những giải pháp "mắt xích" quan trọng để phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác giải ngân nguồn vốn này như: đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải ngân vốn; rút ngắn thời gian thanh toán vốn; thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân nguồn vốn...

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công hiện vẫn chậm, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến 31/3/2022 là 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mức giải ngân này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%); trong đó vốn trong nước đạt 12,66% (cùng kỳ năm 2021 đạt 14,74%), vốn nước ngoài đạt 0,99% (cùng kỳ năm 2021 đạt 0,66%).

Có 04 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%, một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Thái Bình (33,9%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (32,09%), Bộ Xây dựng (29,14%), Lai Châu (28,8%). Tuy nhiên, vẫn còn 46/51 bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%), trong đó có 29 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt thấp do hiện nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn đang tiếp tục khiển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, 03 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán, đồng thời các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng cũng là nguyên nhân chậm giải ngân nguồn vốn. Đối với vốn nước ngoài, các dự án đang triển khai đàm phán với đối tác và triển khai lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đối tác nước ngoài... nên chưa giải ngân kế hoạch vốn đã được giao.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.

Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục, tiến độ thi công và giải ngân các dự án; kịp thời xử lý các vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền; kịp thời điều chuyển vốn từ dự án không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao; đôn đốc, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án...