Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh
(Tài chính) Chiều 23-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành dự án Luật, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực trạng pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp những năm qua đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước nói chung, và quản lý hoạt động tài chính DNNN nói riêng như các Nghị định, Quyết định, tuy nhiên, đến nay chưa có một Luật để điều chỉnh.
Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý vốn, tài sản của DNNN trong thời gian qua cơ bản đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng vốn, tài sản của DNNN để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. DNNN đã từng bước thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế...
Tuy nhiên, hoạt động của DNNN cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần thiết phải có một dự án Luật điều chỉnh nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu quản lý của nhà nước đối với DNNN trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu DNNN... cho nên việc ban hành dự án Luật là cần thiết.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, mục tiêu xây dựng Luật là nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa những quy định dưới Luật đã ban hành có liên quan đang thực hiện ổn định và có hiệu quả, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý đối với DNNN.
Bên cạnh đó, phân định quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp.
Luật cũng nhằm khắc phục việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Đồng thời, việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ cho quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tái cơ cấu nền kinh tế cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong quản lý kinh tế.
Quản chặt vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Dự án Luật bao gồm 7 Chương, 63 Điều, trong đó đáng chú ý là các quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về huy động vốn, Dự án Luật quy định doanh nghiệp được quyền vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính; vay của tổ chức, cá nhân ngoài doanh nghiệp, của người lao động; phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc huy động vốn phải đảm bảo khả năng thanh toán nợ; Việc huy động vốn của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước phải thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức kinh tế, cá nhân cho vay theo quy định của pháp luật.
Dự án Luật cũng quy định doanh nghiệp được quyền huy động vốn đảm bảo tổng số nợ phải trả bao gồm cả các khoản bảo lãnh đối với công ty con không vượt quá ba (3) lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định phương án huy động vốn đối với một dự án có giá trị không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn huy động của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn huy động không đúng mục đích hoặc huy động vốn vượt mức quy định nhưng chưa được hoặc không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp xem xét, quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật.
Để tránh việc đầu tư dàn trải, phù hợp với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự án Luật quy định việc sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một điểm mới của dự án Luật nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành và bổ sung các chế định mới. Quy định cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu thu hồi vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vốn để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu trên, dự án Luật quy định 3 hình thức cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: Chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác. Riêng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là nội dung mới so với các quy định hiện hành. Dự án Luật đã cụ thể hóa nội dung về nguyên tắc chuyển giao; và quy định các trường hợp chuyển giao.
Dự án Luật cũng quy định doanh nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải thực hiện cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự án Luật giao Chính phủ quy định lộ trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác phù hợp với các quy định về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 44).
Về vấn đề này, hiện trong Ủy ban Kinh tế đang có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Luật về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Loại ý kiến thứ hai cho rằng các quy định về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nội dung về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp quy định tại mục 3 Chương III là nội dung mới, được quy định tại dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra về tái cơ cấu DNNN, trong đó quy định về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là một hình thức mới so với các quy định hiện hành. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ điều kiện hoặc trường hợp được áp dụng các hình thức cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Dự án Luật dành một Chương riêng để quy định việc giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những bất cập, tồn tại về quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp.