Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định
Sáng 10/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.
Về phía tỉnh Bình Định có bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định.
Thông tin đến hội nghị những vấn đề quan trọng đến cử tri, bà Lý Tiết Hạnh cho biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1, từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11/2023.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cho phép bổ sung 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 Kỳ họp, đó là: dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo bà Lý Tiết Hạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những vấn đề mà ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm. Đây là dự án Luật lớn với nhiều nội dung quan trọng, do đó, Quốc hội sẽ bàn thảo kỹ lưỡng trước khi xem xét thông qua. Vấn đề liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng là dự án luật được cử tri quan tâm, trong đó có 11 nội dung lớn. Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến trước khi thông qua.
Cùng với đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: Kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Đồng thời, là kỳ họp thường kỳ cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng như: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024…
Tại hội nghị, cử tri Trần Văn Thọ - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, Quốc hội đã có phiên họp giám sát chuyên đề về sách giáo khoa, nhưng cử tri đề nghị cần có bộ sách chuẩn thống nhất triển khai trên toàn quốc, giá do Nhà nước quyết định.
Cử tri Đỗ Nguyên Hùng cho rằng: “Tình hình thu ngân sách nhà nước khó khăn, chúng tôi rất lo, nhiều khoản chi trông chờ vào ngân sách nhà nước, trong khi đó Chính phủ, Bộ Tài chính liên tục triển khai nhiều chính sách tài khóa, thực hiện miễn, giảm, giãn, gia hạn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí. Dù vậy, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, kinh tế tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước dù khó khăn nhưng vẫn đảm bảo tiến độ dự toán. Điều đó tăng thêm niềm tự hào và tin tưởng của cử tri với sự điều hành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Quốc hội hoạt động đổi mới, sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn trọng được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.”
Thay mặt đoàn ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cảm ơn cử tri và Nhân dân Bình Định đã gửi nhiều ý kiến thuộc vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề còn là tồn tại cần tháo gỡ.
10 vấn đề mà cử tri và Nhân dân Bình Định có văn bản gửi đến đoàn ĐBQH đã được Bộ trưởng giải đáp cụ thể, thấu tình đạt lý. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ trưởng đã có trả lời cụ thể; những kiến nghị liên quan đến bộ, ngành khác, đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tập hợp kiến nghị để gửi đến trước kỳ họp Quốc hội.
Liên quan đến các chính sách tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã hết sức nỗ lực trong điều hành, nhằm triển khai các giải pháp về giãn, giảm, miễn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, đã miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách.
Tính từ năm 2021 đến nay, theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí… lên đến 530.000 tỷ đồng. Năm 2023, tổng số thuế, phí được miễn, giãn, giảm ước khoảng 200.000 tỷ đồng, đến nay, đã thực hiện trên 130.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gói hỗ trợ tài khóa chiếm phần lớn chương trình nên nhiệm vụ của Chính phủ, nhất là Bộ Tài chính là hết sức nặng nề. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, như: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022…
Đáng chú ý, năm 2023, để hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng, Quốc hội tiếp tục quyết định giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; chuẩn bị nguồn lực để thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Song song với đó, đã thực hiện tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, những quyết sách này là động lực rất quan trọng cho kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch và là tiền đề dài hạn cho giai đoạn tới.