Bước phát triển ấn tượng của mô hình BHXH tự nguyện
Trong 6 tháng qua, mô hình phát triển BHXH tự nguyện trên cả nước đã đạt kết quả rất tích cực, với 135.000 người tham gia mới và dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có khoảng 490.000 người tham gia. Kết quả này là rất ấn tượng khi chỉ trong những tháng qua của năm 2019, cả nước đã nâng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện lên bằng 10 năm qua – đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 do Chính phủ tổ chức mới đây.
Chỗ dựa vững chắc khi về già
Nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Thương, trú tại phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, từng làm việc ở cơ quan nhà nước, sau đó vì lý do gia đình nên nghỉ việc để về làm kinh doanh tự do. Anh quyết định dành một khoản tích lũy để dưỡng già bằng cách tham gia BHXH tự nguyện.
“Qua tìm hiểu, tôi thấy chế độ BHXH tự nguyện rất có lợi cho người dân, lại có các mức giá đóng khác nhau nên tôi lựa chọn mức đóng vừa phải theo thu nhập của mình”, anh Thương chia sẻ.
Chị Đặng Thị Huyền, ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, hành nghề kinh doanh tạp hóa cũng cho biết đã mua BHXH tự nguyện cho mình và đang thuyết phục chồng mua thêm để sau này hai vợ chồng có lương hưu.
Nhiều nông dân trên địa bàn Đắk Lắk cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện, xem đây là chỗ dựa vững vàng cho mình khi về già không còn sức khỏe để lao động.
Chị H’Yên Ênuôl, ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, trồng 1,5 ha cà phê xen hồ tiêu, nguồn thu cây trồng của gia đình cũng chỉ đủ sống. Thế nhưng, khi nghe thông tin những lợi ích thiết thực và lâu dài của BHXH tự nguyện, chị quyết định dành ra một khoản nhỏ thu nhập để hằng tháng mua BHXH tự nguyện. “Tôi quyết định mua BHXH tự nguyện để sau này già rồi, không làm được việc gì thì cũng có lương hưu để sống”, chị H’Yên nói.
Nhiều người tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHXH theo quy định để hưởng chế độ hưu trí, khi trở về lao động tự do đã đóng tiếp BHXH tự nguyện, nay đã nhận lương hưu ổn định.
Bà Tạ Thị Cẩm Ngọc (55 tuổi, ngụ P.Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) trước đây công tác tại một doanh nghiệp xây dựng, sau khi nghỉ việc bà tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 1/2013, đến nay đủ số năm theo quy định và đã nhận lương hưu. Bà Ngọc nói: “Nếu giải quyết chế độ một lần thì sau này khi về già không biết trông chờ vào đâu nên quyết định tham gia BHXH tự nguyện, nhờ vậy được hưởng chế độ hưu, tôi thật sự yên tâm với khoảng thu nhập này khi về già”.
Theo BHXH TP. Buôn Ma Thuột, số lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố tăng khá trong hai năm gần đây. Đầu năm 2018, toàn thành phố mới có khoảng 200 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, đến nay có số tham gia lên gần 800 người. Nhiều người là lao động tự do, thậm chí việc làm không ổn định, đã chủ động tìm hiểu thông tin về BHXH tự nguyện và khi thấy rõ tác dụng, lợi ích của loại hình bảo hiểm này thì không ngần ngại tham gia.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Hơn 10 năm qua, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện theo 2 giai đoạn, với những quy định khác nhau. Giai đoạn đầu thực hiện theo Luật BHXH 2006 (Luật số 71/2006/QH11); giai đoạn tiếp theo thực hiện theo Luật BHXH năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13).
Quy định về BHXH tự nguyện tại Luật BHXH năm 2014 là sự tổng kết kinh nghiệm 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2006, trên cơ sở đó có những sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến NLĐ thuộc mọi khu vực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Có thể thấy, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, là do chính sách này chưa thực sự tạo hấp dẫn cho người dân, trong khi mặt bằng thu nhập của nhiều người còn thấp, thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm).
Ngoài ra, còn do chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động người dân, chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn các đại lý thu, việc cải cách thủ tục hành chính dù có những bước tiến nhưng chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận thông tin và đăng ký tham gia…
Những hạn chế trên đã được Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII). Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%.
Cùng với Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ cũng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của NSNN; thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước; giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho các địa phương; chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu; tiếp tục cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu BHXH tự nguyện...
Để triển khai thành công nhiệm vụ đề ra, công việc rất quan trọng là cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể chính trị cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, bảo đảm các đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin; từ đó nâng cao nhận thức của mọi người về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách này. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các sở, ban ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHXH. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của các đại lý thu, qua đó thông tin một cách đầy đủ, chính xác về chính sách, pháp luật BHXH tới mọi người dân.
Phát triển BHXH tự nguyện - 1 năm bằng 10 năm
Có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện đã và đang được người dân đón nhận tích cực. Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH - đây là cơ hội để ngành BHXH thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Để thu hút nhóm đối tượng này vào hệ thống BHXH, ngành BHXH đã có những nỗ lực rất lớn như: Ưu tiên mở rộng, phát triển đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật được gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỉ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển BHXH bền vững và lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ nhân viên đại lý thu...
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành, với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” và dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Cụ thể: Đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện hoặc linh hoạt hơn về mức hỗ trợ (mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10%) để địa phương nào có điều kiện kinh tế thì có thể hỗ trợ mức đóng cao hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vào trong chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 của Chính phủ; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và chủ động đăng ký tham gia.
Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện cho các nhân viên đại lý thu, để lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân.
Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến hết tháng 6/2019, toàn quốc đã có 405.695 người tham gia BHXH tự nguyện.
Phát biểu tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 do Chính phủ tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, trong thời gian qua, chính sách an sinh xã hội đã được Đảng và Nhà nước quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện và hài hòa hơn và được thực hiện đồng bộ với mục tiêu phát triển kinh tế. Đặc biệt, có một vấn đề mới, đó là trong 6 tháng qua, mô hình phát triển BHXH tự nguyện đã đạt kết quả rất tốt, với 135.000 người tham gia mới và dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có khoảng 490.000 người tham gia.
Với quyết tâm rất cao, đặc biệt là sự phối hợp của BHXH Việt Nam với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; đóng góp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng như sự hỗ trợ trực tiếp từ các địa phương, chỉ trong những tháng qua của năm 2019, chúng ta đã nâng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện lên bằng 10 năm qua.
Như vậy, việc triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH rõ ràng có hiệu quả trong thực tiễn, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp mà trong đó có 4 yếu tố gồm: Sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp ủy và chính quyền; đổi mới cách làm; công tác tuyên truyền; xây dựng chính sách BHXH vì người dân – đây là kinh nghiệm rất quý trong phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.