Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện khu vực phi chính thức: Cần tạo sự tin tưởng, tăng mức hỗ trợ

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Với mục tiêu tăng nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), ngành BHXH đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH, tuy nhiên, số người tham gia BHXH đến nay vẫn tăng khá chậm.

Lao động khu vực phi chính thức mong muốn được tăng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện. Nguồn: congthuong.vn
Lao động khu vực phi chính thức mong muốn được tăng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện. Nguồn: congthuong.vn

Còn nhiều vướng mắc

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), với 35 triệu lao động khu vực phi chính thức (KVPCT) đầy tiềm năng để khai thác, phát triển BHXH tự nguyện. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, sau khi triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiền đóng BHXH hàng tháng; tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tại các địa phương… nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn tăng chậm, tính đến hết quý I/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện toàn quốc đạt khoảng 312.000 người, tăng 89.106 người so với thời điểm tháng 9/2018.

Theo Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và cộng đồng, hầu hết lao động KVPCT không có BHXH, chiếm tới gần 98%, và chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,8% đóng BHXH tự nguyện. Nhưng rất ít người lao động tự do biết đến loại hình BHXH tự nguyện và nếu biết cũng chưa thực sự quan tâm. Nguyên nhân được cho là do mức thu nhập hiện nay của lao động KVPCT chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ họ chưa nghĩ dài đến việc phải lo cho tương lai.

Trước thực tế này, cần kíp phải có những giải pháp cụ thể để lao động KVPCT hiểu được lợi ích và tăng được sức hấp dẫn của chính sách thì mới có thể cải thiện được tình hình và đạt mục tiêu tăng độ bao phủ BHXH. Phía lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng từng nhấn mạnh, phát triển đối tượng tham gia BHXH trong KVPCT là giải pháp đang được ngành này đẩy nhanh, nhưng gặp không ít thách thức.

Do đó, để tiếp cận nhóm lao động này phải cho họ thấy việc tham gia được thuận tiện, linh hoạt về mức đóng và thời gian đóng, khuyến khích họ tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc khu vực này.

Đề xuất tăng mức hỗ trợ

Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng đã thực hiện cuộc khảo sát về nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của phụ nữ KVPCT, kết quả cho thấy nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của đối tượng này khá cao. Trong đó, có 55,1% phụ nữ KVPCT có nhu cầu đóng BHXH tự nguyện theo phương thức hàng tháng; 24,2% chọn đóng 3 tháng bởi với mức thu nhập thấp thì thời gian này họ có thể xoay sở được.

Còn nhu cầu về điều kiện hưởng BHXH tự nguyện, theo quy định của Luật BHXH, ngoài việc đóng 20 năm BHXH và phải 55 tuổi mới đủ điều kiện để hưởng chế độ BHXH tự nguyện. Vì vậy, phụ nữ KVPCT phải đóng BHXH tự nguyện trước 35 tuổi để được hưởng chế độ. Qua khảo sát, có 81,1% số phụ nữ KVPCT cho rằng đây là quy định hợp lý. Riêng với những người không đủ thời gian đóng BHXH tự nguyện, nhưng có nguyện vọng tham gia thì hầu hết đều mong muốn được đóng bù cho đủ, với 80,5%.

Bên cạnh đó, theo Luật BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện khi đủ điều kiện bằng 45% tương ứng với 15% đóng BHXH, sau đó mỗi năm tính thêm 3% tối đa 75%. Qua khảo sát, đa số phụ nữ KVPCT được hỏi đều đánh giá cách tính BHXH tự nguyện theo lương hưu hàng tháng hiện nay là phù hợp, chiếm 85,9%. Tuy nhiên, cũng có nhiều đề xuất cách tính tỷ lệ lương hưu hàng tháng của người tham gia chưa hợp lý, và có nguyện vọng tăng mức hưởng tối đa lên hưởng 5%, và có 32,7% có nguyện vọng được hưởng lương hưu tối đa bằng 85%.

Đối với hỗ trợ của Nhà nước, theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP về hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện áp dụng thực hiện từ ngày 1/1/2018 thì ngoài việc hỗ trợ 30% cho người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và các đối tượng khác 10%. Với quy định này, qua khảo sát về nhu cầu mức hỗ trợ có 90% mong muốn được hỗ trợ từ 10% trở lên. Trong đó, có 56,9% phụ nữ KVPCT muốn được hỗ trợ trên 25% mức phí phải đóng khi tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, về phương thức đóng, có 56,6% có nhu cầu thu tiền đóng BHXH tự nguyện tại nhà, bởi đây là địa điểm nộp tiền an toàn, thuận tiện, không mất thời gian đóng; 21,2% muốn được nộp tiền tại cơ quan BHXH bởi mang lại cảm giác chắc chắn, còn 8,3% lựa chọn nộp tiền qua đại lý.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Để phát triển người tham BHXH tự nguyện, Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ; các bộ, ngành liên quan phối hợp đề xuất điều chỉnh chính sách BHXH tự nguyện theo hướng tăng tính hấp dẫn, tạo sự tin tưởng để người dân tích cực tham gia; ngành BHXH phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.