Bước tiến lớn trong chuyển đổi số lĩnh vực kho bạc

Phạm Thị Tú - Cục Công nghệ thông tin (Kho bạc Nhà nước)

Sau 13 năm thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (2007-2020), các hoạt động cải cách, hiện đại hóa của hệ thống Kho bạc đã được đẩy mạnh, toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt nghiệp vụ. Theo đó, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành mục tiêu “các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”, là nền tảng vững chắc để tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống Kho bạc Nhà nước theo thông lệ quốc tế, xây dựng Kho bạc số trong tương lai.

Kết quả tích cực trong chuyển đổi số lĩnh vực kho bạc

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đến hết năm 2020, KBNN đã cơ bản hoàn thành thực hiện mục tiêu Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Trong đó, hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) đóng vai trò là trung tâm, có khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với một số hệ thống liên quan để cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý điều hành; hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) khác theo mô hình tập trung có kết nối với hệ thống TABMIS nhằm đáp ứng tốt  yêu cầu cải cách tài chính - ngân sách và hình thành Kho bạc điện tử. Kho dữ liệu thống kê, phân tích nghiệp vụ của KBNN đã được xây dựng và triển khai, cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng cho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính – ngân sách, phục vụ công tác quản lý, điều hành. KBNN đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và đạt kết quả tích cực, cụ thể:

Dịch vụ công trực tuyến của KBNN

 KBNN đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Đến nay, hầu hết các khoản thu - chi qua KBNN đều được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; Số lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua DVCTT trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000, những ngày cao điểm đầu tháng và cuối tháng phát sinh từ 150.000 đến 200.000 chứng từ mỗi ngày.

KBNN đang tiếp tục hoàn thiện tính năng của chương trình DVCTT cho phép các đơn vị thuộc Bộ Công an có thể đăng ký sử dụng DVCTT với KBNN để lập hoặc phê duyệt ủy nhiệm chi; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

DVCTT KBNN còn được nâng cấp bổ sung thêm cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng thông qua văn bản ủy quyền điện tử của đơn vị cho KBNN nơi giao dịch. Hiện tại, KBNN đang thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trước khi mở rộng vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.

KBNN đã hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng trên điện thoại di động cho đơn vị giao dịch có thể tra cứu số dư tài khoản tại KBNN, đạt trên 90% số đơn vị đã sử dụng (tổng số đơn vị lên tới khoảng 100 ngàn đơn vị).

Việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng NSNN tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn thách thức đặt ra nhưng cũng là cơ hội để KBNN đẩy mạnh triển khai DVCTT, số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng mạnh, nhờ đó đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị cũng như đưa đồng vốn của ngân sách kịp thời vào triển khai các dự án đầu tư sớm phát huy hiệu quả (kể cả trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19).

Việc đẩy mạnh triển khai DVCTT đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực KBNN, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet nên giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị. Về phía các đơn vị KBNN, Lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra, giám sát được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên DVCTT đảm bảo thời gian tiếp nhận hồ sơ và kiểm soát chi đúng theo quy định. Đồng thời làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ. DVCTT góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, qua đó KBNN tin tưởng sẽ có sự chuyển biến rất tích cực về chất lượng phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách và các chủ đầu tư, ban quản lý.

Quản lý thu ngân sách nhà nước

 KBNN hoàn thiện hệ thống quản lý thu NSNN, gọi tắt là hệ thống TCS, đáp ứng nhu cầu quản lý thu NSNN trực tiếp tại Kho bạc, cũng như tiếp nhận thông tin thu NSNN qua các ngân hàng, trao đổi thông tin thu NSNN với cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan.

KBNN đã đẩy mạnh phối hợp thu NSNN qua ngân hàng nhằm tận dụng mạng lưới cũng như công nghệ thanh toán hiện đại của các ngân hàng, qua đó, cung cấp cho các đơn vị sử dụng ngân sách dịch vụ về thu ngân sách gần như không giới hạn cả về không gian và thời gian. Trước khi đẩy mạnh phối hợp thu NSNN qua ngân hàng, người nộp phải đến trụ sở Kho bạc nộp ngân sách trong giờ hành chính. Từ khi đẩy mạnh phối hợp thu, người nộp có thể truy cập tại nhà để nộp ngân sách qua các kênh thanh toán của ngân hàng vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết. Hiện nay, KBNN đã, đang đẩy mạnh phối hợp thu và ủy 

nhiệm thu NSNN cho các ngân hàng thương mại (NHTM) với nhiều hình thức đa dạng (ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính), đặc biệt là việc ủy nhiệm thu bằng tiền mặt. Thực hiện chủ trương của Bộ Tài chính, hiện tại, KBNN đã ban hành tài liệu chuẩn kỹ thuật kết nối và trao đổi thông tin thu NSNN giữa NHTM với KBNN và chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật để kết nối với 15 hệ thống NHTM theo kế hoạch của năm 2022, tiến tới mở rộng toàn bộ các hệ thống NHTM trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, KBNN đã kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan trong trao đổi thông tin thu NSNN. Giai đoạn 2016-2020, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tốc độ trao đổi thông tin, giảm xuống còn dưới 15 phút từ khi KBNN thu hoặc nhận được thông tin thu NSNN từ ngân hàng, so với trước đây là 1 ngày 1 lần. Từ đó giảm thời gian thông quan, giảm thời gian gạch nợ thuế của người nộp tại cơ quan thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu NSNN, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. KBNN đã phối hợp với Tổng cục Thuế, Văn phòng Chính phủ, các NHTM, các trung gian thanh toán, các đơn vị trực thuộc bộ, ngành đẩy mạnh việc triển khai thu nộp các khoản thuế, thí, lệ phí tập trung trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hiện đại hoá công tác kiểm soát chi và thanh toán điện tử

 KBNN thực hiện quy trình kiểm soát chi một cửa; thực hiện quy trình gửi hồ sơ kiểm soát chi đến KBNN thông qua DVCTT của KBNN. Đồng thời, cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận, hồ sơ, kiểm soát thanh toán, tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, nâng cao hiệu quả kiểm soát chi và sử dụng vốn NSNN.

Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư đáp ứng yêu cầu về quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN (gọi tắt là hệ thống ĐTKB-GD) được xây dựng và triển khai thành công, KBNN các tỉnh, thành phố đã bước đầu khai thác hiệu quả các chức năng của chương trình, giúp các đơn vị kiểm soát chi đầu tư một cách chặt chẽ, dữ liệu được chuẩn hóa, thống nhất giữa các hệ thống DVCTT, TABMIS, ĐTKB-GD và tổng hợp báo cáo đầu tư. Các báo cáo đầu tư theo yêu cầu của Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/02/2021 của Bộ Tài chính quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công đã được KBNN nâng cấp kịp 

thời, đáp ứng các yêu cầu thay đổi về mặt nghiệp vụ và nhu cầu thông tin phục vụ quản lý điều hành.

Nhằm tiếp tục hiện đại hóa công tác thanh toán, từ cuối năm 2022, KBNN triển khai Thanh toán điện tử liên ngân hàng theo mô hình tập trung nhằm mở rộng kênh thanh toán liên ngân hàng đến KBNN cấp huyện trên cơ sở tài khoản kho bạc duy nhất (TSA) tại Ngân hàng Nhà nước, giúp cho KBNN có thêm sự lựa chọn kênh thanh toán cho các đơn vị thụ hưởng. Kết quả triển khai thí điểm rất khả quan và sẵn sàng để triển khai diện rộng vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Liên thông dữ liệu, liên thông các hệ thống

 Với yêu cầu cải thiện năng suất, chất lượng lao động của đội ngũ công chức KBNN để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, từ cuối năm 2021, KBNN đã triển khai liên thông các hệ thống ứng dụng và quy trình nghiệp vụ liên thông giữa các mảng nghiệp vụ theo hướng người dùng của KBNN chỉ phải thực hiện trên 1 hệ thống ứng dụng, các ứng dụng khác sẽ được hệ thống xử lý tự động. Qua đó, thời gian xử lý các hồ sơ, chứng từ trên các phần mềm đã giảm trên 35% và mang lại những kết quả hết sức tích cực như: Giảm được một khối lượng công việc do không phải thao tác nghiệp vụ trùng lặp trên nhiều hệ thống ứng dụng khác nhau; Giảm khối lượng công việc do không phải trình chứng từ và hồ sơ nhiều vòng từ công chức lên mức kiểm soát lên mức phê duyệt theo từng chương trình ứng dụng nữa mà chỉ trình một lần; do chứng từ được chuẩn hóa liên thông dữ liệu trên 3 ứng dụng nên sẽ ngày càng chuẩn hóa được dữ liệu đầu vào từ đơn vị sử dụng ngân sách; chuẩn hóa dữ liệu từ nguồn nên đơn vị KBNN nơi giao dịch chỉ phải hoàn thiện các thông tin mà phía KBNN phải ghi trên chứng từ, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ cho đội ngũ công chức kiểm soát chi của KBNN, góp phần giảm áp lực lên các hệ thống CNTT của KBNN.

Với yêu cầu cải tiến chất lượng dịch vụ Kho bạc, một trong những yêu cầu đặt ra là đơn vị giao dịch với Kho bạc được phục vụ tốt nhất, tiết kiệm thời gian, công sức nhất, hệ thống DVCTT của KBNN cần cung cấp chuẩn kỹ thuật để các hệ thống phần mềm của đơn vị kết nối, trao đổi dữ liệu, giảm thiểu xử lý trùng lặp thông tin trên 2 phần mềm. Từ năm 2022, KBNN đã ban hành Chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách (cơ quan, tổ chức) vào hệ thống DVCTT KBNN làm cơ sở cho liên thông dữ liệu số mảng chi NSNN giữa đơn vị quan hệ ngân sách với hệ thống CNTT của KBNN. Tính đến tháng 10/2022, có hơn 20.000 đơn vị đã tham gia kết nối với hệ thống của KBNN. Kết quả đó là rất tích cực, từng bước khép kín quy trình thanh toán, kiểm soát chi từ đơn vị sử dụng ngân sách qua KBNN, cho đến công tác thanh toán tại ngân hàng.

Công tác thanh tra, kiểm tra qua ứng dụng công nghệ thông tin

Trong điều kiện 100% số đơn vị khách hàng đã tham gia DVCTT, công tác thanh tra, kiểm tra của KBNN cần có sự thay đổi về cách thức thực hiện. Từ cuối năm 2020, KBNN đã triển khai Tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Thông qua tiện tích này, công chức thanh tra, kiểm tra tại KBNN và KBNN tỉnh, thành phố được quyền tra cứu dữ liệu trên chương trình DVCTT phát hiện những vấn đề bất thường để có cảnh báo cho các đơn vị trong hệ thống KBNN hoặc lên kế hoạch để kiểm tra định kỳ, đột xuất...

Cùng với đó, trong giai đoạn bệnh dịch COVID- 19 bùng phát từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021, không thể tiến hành việc kiểm tra trực tiếp, KBNN đã thực hiện giám sát từ xa đối với công chức KBNN trong việc chấp hành quy định về tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua DVCTT: Giám sát thực hiện “Tiếp nhận hồ sơ” trên DVCTT đảm bảo không muộn hơn 08 giờ làm việc theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; Giám sát những hồ sơ thanh toán qua DVCTT bị trả lại nhiều lần; hồ sơ quá hạn xử lý theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN...

Đồng thời, KBNN thực hiện phân tích dữ liệu sử dụng tài khoản đăng nhập sử dụng chương trình, sử dụng chứng thư số trong toàn hệ thống KBNN để giám sát từ xa về chấp hành công tác bảo mật, công tác quản lý, sử dụng chứng thư số với mục tiêu chấn chỉnh lề lối làm việc và cảnh báo rủi ro có thể xảy ra tại KBNN các cấp. Trên cơ sở kết quả giám sát, KBNN đã thực hiện phân cấp cho KBNN các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ kiểm soát chi qua DVCTT và chứng thư số qua việc giám sát từ xa để Giám đốc KBNN cấp tỉnh chỉ đạo xác định nguyên nhân, trách nhiệm đối với công chức có liên quan, báo cáo kết quả về KBNN để xem xét, xử lý (Công văn số 803/ KBNN-TTKT ngày 28/2/2022). Đây là cách làm mới trong hoạt động TTKT của hệ thống KBNN dựa trên nền tảng CNTT và đặc biệt phù hợp với bối cảnh nhiều địa bàn của các tỉnh, thành phố trên cả nước bị phong tỏa khi có diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID -19 và đánh dấu bước khởi đầu thực hiện Hiện đại hóa công tác TTKT, hướng tới TTKT theo phương thức điện tử, TTKT trên môi trường số.

Bảo mật an toàn thông tin

Song song với việc nâng cấp, xây dựng các hệ thống, chương trình phần mềm ứng dụng, KBNN cũng chú trọng xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống an toàn CNTT KBNN theo chuẩn thông lệ quốc tế (tiêu chuẩn ISO27000) và chính sách an toàn thông tin; hoàn thành việc xây dựng môi trường dự phòng thảm họa cho các hệ thống CNTT. Từ đó, hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, giúp cho các hệ thống ứng dụng CNTT ngành tài chính nói chung và của KBNN nói riêng hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số, xây dựng Kho bạc số

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, đặt ra mục tiêu và định hướng cải cách, hiện đại hóa KBNN trong giai đoạn tới. Chiến lược được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030; là một bộ phận của Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược đặt ra là “Xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.

Căn cứ theo mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, việc thực hiện thành công Chiến lược này sẽ hình thành nên Kho bạc số với những đặc điểm như sau: Cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử; liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực.

Cụ thể: Cơ sở dữ liệu thu NSNN cho toàn bộ các khoản thu được xây dựng; dịch vụ số về thu NSNN được triển khai, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc nộp, theo dõi thông tin nộp NSNN trực tuyến. Trách nhiệm kiểm soát cam kết chi được giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện và kết nối, chia sẻ thông tin cam kết chi điện tử tới KBNN, phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hằng năm theo thông lệ quốc tế. Dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN được liên thông, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng kinh phí NSNN.

Đồng thời, phương thức kiểm soát chi NSNN chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương, đi đôi với kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Hoạt động thanh toán của KBNN được thực hiện trên cơ sở mô hình thanh toán tập trung với một tài khoản duy nhất tại mỗi hệ thống ngân hàng thương mại. Phương pháp và nguồn thông tin đầu vào phục vụ cho công tác dự báo luồng tiền ngân quỹ nhà nước được hoàn thiện, giúp nâng cao chất lượng dự báo, giảm thiểu mức chênh lệch của kết quả dự báo so với thực tế còn không quá 5%...

Cùng với đó, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước cũng tiếp tục được gắn kết chặt chẽ với quản lý ngân sách và quản lý nợ, tăng cường tính hiệu quả, an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công. Cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước được xây dựng trên cơ sở liên thông và thu thập dữ liệu kế toán tại tất cả các đơn vị kế toán nhà nước; cho phép kết xuất thông tin, báo cáo đa chiều về tài chính – ngân sách và rút ngắn thời gian lập, trình báo cáo quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước giảm 6 – 12 tháng so với năm 2020. Từ đó, thông tin về tài chính – NSNN được KBNN cung cấp tới công chúng và các cấp lãnh đạo, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác và phù hợp với chuẩn mực kế toán công, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền cũng như hoạt động kiểm tra, giám sát, giúp nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các   nguồn   lực   tài chính nhà nước.

Thực hiện nhiệm vụ nêu tại “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 và định hướng thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, KBNN đã xây dựng và ban hành Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới Kho bạc số theo Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4/6/2021, làm cơ sở để KBNN triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn 10 năm tới. Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới Kho bạc số phù hợp với Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Kiến trúc tổng thể CNTT đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng và phát triển các hệ thống CNTT phục vụ điều hành và hoạt động nghiệp vụ tại KBNN, giúp nâng cao năng lực quản trị, tăng năng suất hoạt động và chất lượng cung cấp dịch vụ.

Về lộ trình, việc triển khai các ứng dụng CNTT của KBNN nhằm xây dựng Kho bạc số sẽ được chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng Kho bạc dựa trên dữ liệu số, hệ thống KBNN cần tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu điện tử với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

Giai đoạn 2: Từ năm 2026 đến năm 2030, giai đoạn xây dựng Kho bạc số, tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành Kho bạc số đầy đủ. Với những nền móng đã đạt được thời gian qua, trong giai đoạn 2021 – 2030 hệ thống KBNN đã sẵn sàng vươn đến mục tiêu xây dựng Kho bạc số.

Để triển khai Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới Kho bạc số, KBNN đã trình và được Bộ phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để đề xuất các định hướng và lộ trình nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng hình thành hệ thống ngân sách và kế toán số (VDBAS). Trước mắt, để hiện thực hóa các mục tiêu trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hệ thống KBNN sẽ triển khai xây dựng Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà 

nước số (gọi tắt là hệ thống VDBAS) giai đoạn một, tập trung cung cấp dịch vụ phân bổ ngân sách cho các đơn vị dự toán các cấp thực hiện phân bổ dự toán trên nền tảng số; liên thông kết nối dữ liệu từ hệ thống của đơn vị giao dịch với hệ thống CNTT của KBNN; liên thông, kết nối dữ liệu; hoàn thiện hệ thống DVCTT và các hệ thống CNTT hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và công nghệ, kỹ thuật trong giai đoạn quá độ chuyển sang các hệ thống theo kiến trúc mục tiêu.

Ngoài công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, KBNN không quên ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị nội ngành thông qua hoàn thiện Hệ thống Quản lý văn bản điều hành, Cổng thông tin điện tử, Quản lý tài chính và kế toán nội bộ. Xây dựng hệ thống quản lý, lưu trữ chứng từ điện tử, hồ sơ chi NSNN điện tử, bước đầu thay thế cho lưu trữ giấy truyền thống; thực hiện các nhiệm vụ về an toàn bảo mật hệ thống, quản trị hệ thống, đảm bảo kỹ thuật CNTT của KBNN.

Hiện nay, KBNN trình Bộ Tài chính phê duyệt chương trình hành động của Bộ Tài chính cho việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, theo đó yếu tố thể chế, quy trình nghiệp vụ và tổ chức bộ máy, phát triển con người cần được đẩy mạnh, đẩy nhanh mới giúp cho Kho bạc tận dụng được những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang chuyển động như vũ bão. Trước mắt, hệ thống KBNN cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục hành chính và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4/6/2021 ban hành Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới Kho bạc số;

2. Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030;

3. Đề án Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính);

4. Quyết định số 824/QĐ-BTC ngày 20/5/2022 Về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của Kho bạc Nhà nước, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 11/2022