Bứt phá để tạo thế cân bằng
Các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước cũng sẽ phải tìm cách để thay đổi diện mạo, giữ vững thị phần, cũng như vị thế của mình trong hệ thống trước áp lực cạnh tranh mới.
Theo số liệu thống kê của NHNN mới đây, đến hết tháng 4, các chỉ số hoạt động cơ bản của các NHTMCP tiếp tục khả quan. Tổng tài sản có của khối NHTMCP tăng 3,22%, vốn điều lệ tăng 1,28% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của khối NHTMCP duy trì ở mức khá cao 12,25%.
Nhìn vào con số thống kê trên, một chuyên gia bình luận, điều đó cho thấy sức khỏe tài chính của các NHTMCP đang có những cải thiện rõ rệt, thậm chí là đang có chút nhỉnh hơn so với khối NHTM Nhà nước ở một số chỉ tiêu.
Ngay cả tăng trưởng tín dụng, khối NHTMCP cũng đang triển khai khá tích cực. Nhiều NH đang xin NHNN nới room tín dụng. Tất nhiên, so với quy mô vốn của các NHTM Nhà nước lớn, thì vài chục % tăng trưởng tín dụng của các NHTMCP cũng không phải là quá lớn, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về khách hàng thì đó là tín hiệu tích cực.
Bởi, trước nay, so với các NHTMCP Nhà nước lớn, các NHTMCP nhất là NH nhỏ gặp khó khăn hơn trong huy động cũng như cho vay. Song, đến thời điểm này, lãi suất đã không còn là yếu tố tác động lớn đến quyết định gửi hay vay tiền của khách hàng nữa.
Bà Thu Hà – khách hàng của một chi nhánh NHTMCP quy mô nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo chia sẻ, mặc dù lãi suất huy động của NH này không nhỉnh hơn mấy so với NHTM Nhà nước nhưng tôi vẫn gửi. Bởi thái độ phục vụ, cũng như cách chăm sóc khách hàng tại đây rất tốt. Cứ đến ngày đáo hạn sổ tiết kiệm là có nhân viên gọi điện nhắc nhở, nếu bận quá không ra được, thay vì phải ra NH để tái tục lại sổ thì cán bộ NH giúp tôi thực hiện điều này.
Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, thay vì chỉ chăm chăm chạy theo điều chỉnh lãi suất, các NH tăng cường đầu tư công nghệ là tiền đề hỗ trợ các NH phát triển sản phẩm dịch vụ hiện đại… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Qua đó, NH cũng tăng thu từ dịch vụ giúp hoạt động của mình tăng trưởng bền vững hơn. Đấy là hướng mà các NHTMCP đang thực hiện.
Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, NH cố gắng năm 2016 là năm hoạt động bán lẻ của NH nhằm tăng lợi nhuận bền vững từ thu dịch vụ. Trong năm qua, thu từ dịch vụ NH này tăng trưởng rất tốt. Để thu dịch vụ cao, ông Văn chia sẻ, quan trọng là cách tiếp cận và thái độ “bán hàng” của nhân viên NH chứ không phải từ “giá” sản phẩm.
Nói như vậy, không có nghĩa là các NHTMCP lơ là đến khách hàng vay vốn, vì 80% trong cơ cấu lợi nhuận NH vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Để giữ chân khách hàng, các NHTMCP cũng không thể không điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hay giữ mặt bằng lãi suất huy động hợp lý. Vì dẫu sao, công cụ lãi suất vẫn rất quan trọng đối với các NHTMCP để hút khách.
Xác định không phải là NH lớn nên không thể giảm sâu, rộng được lãi suất như các NHTM Nhà nước, nhưng điều quan trọng theo tổng giám đốc một NHTMCP đó là cách ứng xử của NH khi DN gặp khó. Các NHTMCP có nhiều “chiêu” để giữ chân khách hàng và cạnh tranh với các NHTM Nhà nước lớn.
Bên cạnh phương cách phục vụ chu đáo, hiện đại thì chỉ số tài chính, kinh doanh ngày càng được cải thiện cũng đã và đang tạo lợi thế nhất định cho các NHTMCP. Việc SHB là NHTMCP đầu tiên cho vay lại dự án ODA của Chính phủ Đức mà không chịu rủi ro tín dụng là một minh chứng rõ nét, điều mà trước đây, chỉ những NHTM Nhà nước mới có cơ hội “trúng” thầu…
Hay như lợi thế về mạng lưới vốn trước đây thuộc về NHTM Nhà nước thì nay họ cũng bắt đầu có đối thủ cạnh tranh. LienVietPostBank vừa thông báo NH này trở thành NHTMCP đầu tiên có mạng lưới chi nhánh phủ kín tất cả 63 tỉnh/thành trên cả nước.
Ở một chiều hướng tích cực mới, nếu như trong thời gian qua chủ yếu các NHTMCP phải chạy theo lo cạnh tranh lãi suất với các NHTM Nhà nước, thì có thể trong thời gian tới tình thế này lại đổi chiều.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có hướng mở đáng chú ý. Đó là cơ chế cho phép nguồn tiền từ các quỹ trên được phép gửi, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các NHTM có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của NHNN.
Như vậy, không loại trừ sẽ có các NHTMCP tư nhân được tiếp cận, qua hoạt động tiền gửi. Tất nhiên, cơ chế trên đưa ra các điều kiện về tiêu chí an toàn, tín nhiệm…
Nhưng điều đó cho thấy, những ưu ái đang dần chia sẻ cho cả khối NHTM Nhà nước lẫn NHTMCP. Điều đó tạo động lực để các NHTMCP tăng chất hoạt động kinh doanh để nắm bắt được những cơ hội lợi thế này. Điều đó đồng nghĩa với việc các NHTM Nhà nước cũng sẽ phải tìm cách để thay đổi diện mạo, giữ vững thị phần, cũng như vị thế của mình trong hệ thống trước áp lực cạnh tranh mới.