BVSC: VND sẽ mất giá quanh mức 3% trong năm 2018

PV.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra dự báo, VND sẽ mất giá quanh mức 3% trong năm 2018.

Theo BVSC,  Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải giảm giá VND thêm với biên độ mạnh nếu chỉ xét ở mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo BVSC, Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải giảm giá VND thêm với biên độ mạnh nếu chỉ xét ở mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong bản tin chứng khoán ngày 24/8/2018, lý giải cho dự báo trên, BVSC cho rằng, chỉ số tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh (hàm ý VND lên giá) từ đầu tháng 5/2018 đến đầu tháng 7/2018. Điều này chủ yếu do VND có xu hướng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong rổ tiền tệ tham chiếu khi các đồng tiền này đều yếu đi rõ nét so với USD. 

Sau đợt tăng giá bán ra USD của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/7 vừa qua, tổng mức mất giá của VND so với USD kể từ đầu năm 2018 đến nay đã hơn 2,5%. Nếu so với thời điểm đáy ngắn hạn vào tháng 4/2018, thì chỉ số NEER và REER của Việt Nam đã lần lượt tăng 3,3% và 3,8%. Mặc dù vậy, nếu so với cuối năm 2017 thì mức hiện tại của NEER và REER cao hơn không nhiều (lần lượt chỉ là 0,3% và 1,5%).

Trên cơ sở trên, theo BVSC, Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải giảm giá VND thêm với biên độ mạnh nếu chỉ xét ở mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Ngoài ra, biến động tỷ giá hiện nay đang theo chiều hướng đồng tiền của các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc) mất giá mạnh và đồng tiền ở các quốc gia Việt Nam xuất khẩu tăng giá (điển hình là Mỹ). Đây được coi là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu được hàng hóa đầu vào rẻ hơn tương đối, trong khi xuất khẩu vẫn đảm bảo được sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ các quốc gia khác có cùng nhóm hàng xuất khẩu do đồng tiền nhiều quốc gia đang mất giá mạnh hơn so với VND. Do vậy, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tỷ giá vẫn cần điều chỉnh nhưng sẽ không cần ở mức quá lớn.