Các chế tài trong hoạt động thương mại
(Tài chính) Trong hoạt động thương mại, sự thoả thuận giữa các bên thông thường được ghi nhận trong hợp đồng. Các bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng theo hợp đồng đó. Tuy nhiên, việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng vẫn có thể xảy ra, dù cố ý hay vô ý. Để bảo vệ quyền lợi của mình, bên bị vi phạm nên áp dụng các chế tài thương mại.
Các chế tài thương mại thường được áp dụng bao gồm:
1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng
Đây là chế tài có chức năng đảm bảo hợp đồng được thực hiện như thoả thuận, đúng với mục đích ban đầu của các bên; được áp dụng đối với bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào.
Cách thức áp dụng:
Yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng các thoả thuận trong hợp đồng.
Trường hợp bên vi phạm không thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền áp dụng các biện pháp khác như: mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế; tự sửa chữa khuyết tật hàng hoá;… Bên vi phạm phải chi trả khoản chênh lệch và những chi phí phát sinh.
Chế tài này không được áp dụng đồng thời với các chế tài khác ngoại trừ việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.Nếu bên vi phạm không thực hiện, bên bị vi phạm có quyền tiếp tục áp dụng các chế tài khác.
2. Phạt vi phạm
Là chế tài có chức năng tăng cường ý thức tuân thủ hợp đồng của các bên. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng.
Điều kiện để áp dụng chế tài này là phải có tồn tại thoả thuận về việc phạt vi phạm giữa các bên, đồng thời đã xảy ra hành vi vi phạm mà các bên thoả thuận là điều kiện để áp dụng chế tài phạt vi phạm.
Mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ các lĩnh vực sau:
Mức phạt vi phạm tối đa trong lĩnh vực xây dựng là 12% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm;
Mức phạt vi phạm tối đa trong lĩnh vực giám định là không vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định.
3. Bồi thường thiệt hại
Đây là chế tài có chức năng bù đắp tổn thất vật chất cho bên bị vi phạm. Bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường giá trị tổn thất thực tế và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ bên bị vi phạm được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ 3 yếu tố:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Chế tài bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng đồng thời với các chế tài khác.