Phó Chủ tịch Thường trực IMF:

Các chính sách của Chính phủ Việt Nam đang phát huy tác dụng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 có thể đạt 5,6%; kinh tế Việt Nam đã vận động rất tốt trong thời gian qua, tình trạng phát triển quá nóng đã phần nào được xoa dịu, tỷ lệ lạm phát ở mức 1 con số. Tỷ lệ xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài đều rất tốt. Điều này cho thấy các chính sách Chính phủ Việt Nam áp dụng đang phát huy tác dụng.

Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tốt nhưng ngược lại thị trường tiêu dùng trong nước còn yếu. Nguồn: internet
Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tốt nhưng ngược lại thị trường tiêu dùng trong nước còn yếu. Nguồn: internet

Đây là nhận định của ông Naoyuki Shinohara, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi trả lời phỏng vấn của VTV bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 tại Washington, Mỹ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực IMF, mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,6% trong năm nay của định chế tài chính này dựa trên sự đánh giá rằng kinh tế Việt Nam đã vận động rất tốt trong thời gian qua; tình trạng phát triển quá nóng đã phần nào được xoa dịu, tỷ lệ lạm phát ở mức 1 con số; tỷ lệ xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài đều rất tốt.

Ông Shinohara nói: “Tôi nghĩ rằng, các chính sách Chính phủ Việt Nam áp dụng đang phát huy tác dụng, tuy nhiên cũng có rất nhiều cải cách khác mà Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể lên tới mức 6-6,5%”.

Về mức tăng trưởng 5,6%, ông Naoyuki Shinohara cho rằng con số này có thể là chậm hơn so với những năm trước, tuy nhiên Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong khu vực và so với thế giới. Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tốt nhưng ngược lại thị trường tiêu dùng trong nước còn yếu. Vì thế, một trong những thách thức lớn trong thời gian tới là Việt Nam cần tạo thêm nhu cầu ở thị trường nội địa cùng với việc phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, ví dụ như tiến hành cổ phần hóa.

Theo IMF, Việt Nam cần phải hướng tới các chính sách hỗ trợ để tăng trưởng đạt được tính ổn định và bền vững hơn; hơn nữa một nền kinh tế tập trung nhiều vào hoạt động xuất khẩu như Việt Nam cần phải quay sang tập trung phát triển nhu cầu ở thị trường nội địa trong thời gian tới.

Khuyến cáo nói trên của IMF xuất phát từ nhận định mặc dù các nền kinh tế phát triển đã hồi phục sau đợt suy thoái kéo dài, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng vẫn yếu, đặc biệt là ở châu Âu. Vì thế, nhu cầu nhập khẩu của những quốc gia ở khu vực này cũng yếu hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng chậm lại. Trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục là nòng cốt thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới, vì thế, sẽ rất rủi ro nếu Việt Nam chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu.