Các chương trình tín dụng phát huy hiệu quả
Bài viết đề cập tới một số chương trình tín dụng đã và đang mang lại ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp về khả năng đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng và đặc biệt là lãi suất cho vay hợp lý và tương đối thấp so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, mỗi chương trình tín dụng hỗ trợ đều có đặc thù và điều kiện riêng nên điều cần thiết là các doanh nghiệp cũng phải nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và điều kiện của từng chương trình để tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả.
Trong bối cảnh xuất hiện những khó khăn và áp lực đối với lạm phát thì yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ giúp bảo đảm cho tăng trưởng bền vững mà còn bảo đảm giá trị của tăng trưởng.
Trong điều kiện đó, việc tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương (NHTW) và UBND TP. Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng và khẳng định sự hiệu quả của chính sách.
Mặc dù quy mô tín dụng các chương trình này không lớn so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, song lại tạo ra sự khác biệt, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, chương trình tín dụng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực: Xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá mức lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (công bố hàng năm).
Chương trình hỗ trợ tín dụng cho 5 nhóm ngành lĩnh vực này tăng trưởng và phát triển đã được tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2012 đến nay. Hiện lãi suất cho vay không quá 4,5%/năm - mức lãi suất khá thấp, tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, cũng như khuyến khích doanh nghiệp không ngừng tăng trưởng và phát triển, đặc biệt yêu cầu doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới về quản trị, quản lý doanh nghiệp; công khai minh bạch tài chính; hoạt động hiệu quả để đáp ứng điều kiện hỗ trợ.
Ở góc độ quản lý, có thể nói đây là một chương trình tín dụng hay, khoa học và mang lại hiệu quả toàn diện, là động lực cho tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay tổng dư nợ cho vay chương trình đạt gần 200.000 tỷ đồng cho 35.282 khách hàng, tăng 5,3% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 146.900 tỷ đồng chiếm 75% tổng dư nợ cho vay của chương trình này.
Thứ hai, cho vay doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu bằng ngoại tệ. Đây là chương trình tín dụng có điều kiện, đồng thời gắn với định hướng chống đô la hóa nền kinh tế, vì vậy yêu cầu tín dụng ngoại tệ phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động ngoại hối, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng vốn và sử dụng vốn hiệu quả.
Mặc dù tỷ trọng dư nợ ngoại tệ thấp (chỉ chiếm khỏang 7% trong tổng dư nợ tín dụng), song nhìn ở góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, hiệu quả tín dụng ngoại tệ tiếp tục phát huy, nhờ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng và phát triển, với lãi suất cho vay hợp lý. Đặc biệt là ấn tượng của tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian khó khăn do đại dịch gây ra vừa qua.
Thứ ba, chương trình cho vay bình ổn thị trường. Đây là chương trình tín dụng mang ý nghĩa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và là giải pháp ổn định thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ cho người dân và qua đó bình ổn giá cả thị trường.
Chương trình này mang đậm ý nghĩa nhân văn, đồng thời cũng tạo hiệu ứng rất lớn trong việc góp phần giữ ổn định giá cả hàng hóa tiêu dùng, nhờ lãi suất cho vay thấp, nhất là khi thị trường biến động và áp lực lạm phát gia tăng như hiện nay.
Mặc dù, về bản chất chương trình chủ yếu là giải pháp điều hành của Chính phủ, của UBND TP. Hồ Chí Minh, không gắn với chính sách tiền tệ tín dụng, song nhờ sự kết nối ngân hàng doanh nghiệp, phát huy và duy trì được lợi ích các bên (ngân hàng và doanh nghiệp) cũng như mục tiêu chung là ổn định giá cả và mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, vì vậy trách nhiệm xã hội được phát huy.
Chương trình đã và đang thực hiện tốt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tính từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay của chương trình đạt 700 tỷ đồng cho 33 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối thuộc chương trình (trên các lĩnh vực: lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu khác).
Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng nêu trên đã và đang mang lại ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp về khả năng đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng và đặc biệt là lãi suất cho vay hợp lý và tương đối thấp so với mặt bằng chung đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển.
Về mặt chính sách, đây là các chương trình tín dụng nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho doanh nghiệp, vì vậy thường gắn liền với các cơ chế cụ thể (về lãi suất cho vay; đối tượng và điều kiện vay), nhằm hỗ trợ cho một số ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển; các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế đi cùng việc áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, lãi suất cho vay thấp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng và tăng trưởng nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, với mục tiêu thúc đẩy các ngành kinh tế; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng đổi mới và phát triển,
Mỗi chương trình tín dụng hỗ trợ đều có đặc thù và điều kiện riêng nên điều cần thiết là các doanh nghiệp cũng phải nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và điều kiện của từng chương trình để tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả cũng như không ngừng đổi mới phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp;
Công khai minh bạch tài chính chính, hạch toán kế toán và có hệ thống sổ sách chứng từ theo quy định, tuân thủ các quy định về kế toán, kiểm toán; nâng cao năng suất lao động và kinh doanh hiệu quả… thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gắn với trách nhiệm của người vay vốn và lợi ích chính sách mà Chính phủ, NHTW và UBND TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho doanh nghiệp.