Các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt
Ghi nhận những chuyển biến tích cực của kinh tế thế giới trong thời gian qua, song, báo cáo công bố mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về các chính sách bảo hộ và các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt có thể đe dọa đến đà tăng trưởng.
Lạc quan xen lẫn thận trọng
Giới chuyên gia nhận định, không phải ngẫu nhiên thể chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu này đưa ra đánh giá về kinh tế thế giới ngay trước thềm hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Về cơ bản, bức tranh kinh tế thế giới hiện mang tông màu sáng. Trong bản theo dõi triển vọng và nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn sẽ tăng lên, phản ánh sự gia tăng trong hoạt động tại các nền kinh tế phát triển, sự chuyển dịch trong chính sách kinh tế vĩ mô tại Mỹ và sự ổn định tại các nền kinh tế mới nổi, vốn được đánh giá là động lực chính giúp thúc đẩy và củng cố triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi tiếp tục đóng góp hơn 3/4 tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2017.
Để có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực, IMF kêu gọi các nước thành viên thuộc G20 duy trì khung thương mại đa phương cởi mở cũng như hoàn tất các cải cách tài chính và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế. Dưới áp lực từ tâm lý bảo hộ thương mại đang gia tăng tại các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, IMF cũng kêu gọi các nước G20 tăng cường hợp tác quốc tế để có thể duy trì những lợi ích của thương mại cũng như động lực tăng trưởng kinh tế, vốn đã giúp hàng triệu người dân trên thế giới thoát khỏi đói nghèo.
Cùng với báo cáo trên, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, song khuyến cáo các nước cần có những chính sách hợp lý để tránh tự gây ra “những tổn thương” không đáng có. Điều đó đòi hỏi các nước loại bỏ những chính sách có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới thương mại, vấn đề di cư, lưu thông dòng vốn và việc chia sẻ công nghệ xuyên biên giới, bởi những biện pháp này sẽ đe dọa đến năng suất lao động, thu nhập và điều kiện sống của toàn bộ người dân.
Cũng theo bà Lagarde, để có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực, các quốc gia phải có những chính sách kinh tế vĩ mô mang tính hỗ trợ, hay những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm việc đào tạo lao động tay nghề thấp, điều chỉnh hợp lý trong chính sách thu nhập và hệ thống thuế.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Sự lạc quan xen lẫn thận trọng thể hiện trong nội dung báo cáo của IMF cũng như những thông điệp của Tổng Giám đốc Lagarde đã cho thấy phần khuất của bức tranh kinh tế thế giới. Thực tế, những khó khăn và thách thức đã và đang tiếp tục hiện hữu khi kinh tế chịu nhiều tác động do giá dầu giảm sút, sản xuất bị suy giảm. Đặc biệt trong bối cảnh chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã khiến cho kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
Các chuyên gia đều đánh giá rằng, việc ông Trump thực hiện chính sách bảo hộ thương mại đối với nước Mỹ sẽ khiến cho các nền kinh tế mới nổi, thiên về xuất khẩu hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất và thứ hai thế giới - sẽ không chỉ gây tổn hại cho hai quốc gia mà còn ảnh hưởng chung đến kinh tế toàn cầu. Hồ sơ Brexit cũng vậy, tuy cương quyết không tiết lộ chiến lược đàm phán, nhưng các đường hướng chỉ đạo do Thủ tướng Anh Theresa May cho thấy London có vẻ như đang chuẩn bị cho “Brexit cứng” - được hiểu là sự đoạn tuyệt dứt khoát với EU.
Thủ tướng Anh trên thực tế đã vạch ra bốn đường đỏ bao gồm “3 không - 1 có” cho mối quan hệ Anh quốc - EU hậu Brexit, đó là không tự do di chuyển người lao động, không đóng góp bắt buộc vào ngân sách Liên minh châu Âu (EU), không chịu sự giám sát của Tòa án châu Âu và cuối cùng là tự do quy định các mối quan hệ thương mại với phần còn lại trên thế giới. Để có thể đáp ứng được bốn điều kiện đó, Anh quốc bắt buộc sẽ phải rời khỏi khu vực thị trường chung châu Âu.
Những thách thức kể trên khiến cho IMF dù lạc quan đến mấy cũng không thể hết thận trọng.