Các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 674 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.001 km. Các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp mới, làm tăng giá trị đất đai, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngày 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, đến nay, tổng số dự án thuộc danh mục Ban Chỉ đạo là 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không; đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 674 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.001 km (trong tháng 6 này sẽ có thêm 19 km đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt).
Các dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp mới, làm tăng giá trị đất đai, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, củng cố, tăng cường sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã xử lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, trong đó có các vướng mắc kéo dài như vốn cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức-Long Thành, nguồn vật liệu xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ triển khai nhiều dự án bảo đảm yêu cầu.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ 11 ngày 8/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 47 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương; đến nay, các đơn vị đang triển khai 36 nhiệm vụ, đã hoàn thành 11 nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến các quy định, thủ tục vay ODA cho dự án Bến Lức-Long Thành, Mỹ An-Cao Lãnh, đường sắt đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đã phê duyệt dự án trụ sở cơ quan Hải quan Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ Công Thương đã triển khai các thủ tục nhập khẩu cát, nguyên vật liệu về Việt Nam; trực tiếp kiểm tra thực địa và làm việc với các địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ, giúp các địa phương đẩy nhanh thủ tục liên quan di dời các đường điện cao thế; rà soát thiết bị tồn kho để điều động, cho mượn tạm phục vụ thi công các dự án cao tốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư; hướng dẫn TP. Hà Nội về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án nâng cấp đạt quy mô hoàn chỉnh.
Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ GTVT để tổ chức khảo sát, hoàn chỉnh các định mức; tiếp tục nghiên cứu để hướng dẫn các địa phương xác định giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù.
Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 57/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 159, về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa; đã khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn...
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Trước một số vướng mắc nổi lên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai đồng bộ một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, giải quyết thời gian tới. Cụ thể:
Thứ nhất, về giải phóng mặt bằng, các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28/5/2024, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.
Thứ hai, về hạ tầng kỹ thuật, Bộ Công Thương và EVN cần hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc di dời các công trình kỹ thuật giao chéo đường cao tốc.
Thứ ba, về vấn đề vật liệu xây dựng cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửa Long và vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp tại Vĩnh Long, Thủ tướng yêu cầu trong 5 ngày tới, Phó Thủ tướng tiếp tục triệu tập hội nghị tại Bến Tre với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương để giải quyết dứt điểm. Các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động, tích cực hơn nữa tìm nguồn cung ứng cát, vận dụng các điều kiện cho phép để làm.
Thứ tư, về các vướng mắc liên quan việc thi công ban đêm, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường đối thoại với người dân, thăm hỏi, động viên, vận động người dân ủng hộ việc thi công "3 ca, 4 kíp", bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; đồng thời nghiên cứu thời gian thi công phù hợp để tác động thấp nhất tới cuộc sống người dân.
Thứ năm, về thủ tục đầu tư các dự án hợp tác công tư, các tỉnh phải chủ động, tích cực xử lý các vấn đề theo thẩm quyền được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai các thủ tục.
Thứ sáu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu về mặt bằng, nguyên vật liệu…; các bộ, ngành chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.