Các ngành sẵn sàng cho hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng
(Tài chính) Từ năm 2015, nhiều cánh cửa hội nhập sâu rộng mở ra, với nhiều cơ hội và thách thức chờ đón doanh nghiệp, các ngành nghề, lĩnh vực. Năm mới, mỗi người, mỗi doanh nghiệp, dù ở vị trí nào đều đã chuẩn bị kế hoạch, tâm thế để bước vào hội nhập hiệu quả. Vậy các bộ trưởng, các tư lệnh ngành thì sao? Họ nghĩ gì về năm hội nhập 2015?
Với việc kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại từ năm 2014, năm 2015, nhiều hiệp định sẽ được ký kết. Trong đó có Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam - Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và Việt Nam cùng một số hiệp định khác đang tiếp tục đàm phán. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, năm 2015 sẽ cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước, đặc biệt là các tỉnh biên giới, huyện đảo. Dù phục vụ người tiêu dùng trong nước là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong nước, song cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi nền kinh tế nước ta có sự tham gia lớn của lĩnh vực ngoại thương. Bên cạnh thị trường cũ thì phải tìm thêm thị trường mới, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường phối hợp giữa Bộ Công thương với các bộ có sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các bộ, ngành cũng tích cực xây dựng thể chế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, 2014 là năm tích cực và có dấu ấn trong cải cách thủ tục hành chính thuế, bảo hiểm giúp giảm tới 370 giờ kê khai nộp thuế cho doanh nghiệp. Nhưng đó mới là giảm về lý thuyết, điều cần quan tâm là phải bảo đảm để những cải cách này thật sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi thực sự cho người nộp thuế. Để thực hiện yêu cầu này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, Tổng cục Thuế cần sớm hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung 40 quy trình hiện có; thực hiện công khai, minh bạch để người dân và doanh nghiệp giám sát, kiểm tra việc các cán bộ thực hiện những quy trình này. Chính sách tốt giống như thảm đỏ, nhưng dưới thảm đỏ là hệ thống bàn chông quá dày đặc, thì vẫn phải tiếp tục phải nhổ những cái chông này nhằm cải thiện mạnh hơn môi trường kinh doanh.
Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, cần chủ động tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đồng hành với các doanh nghiệp. Điều này càng trở nên đúng hơn trong bối cảnh hội nhập. Thậm chí, chính sách còn phải đi trước một bước để định hướng, dẫn dắt doanh nghiệp và nền kinh tế. Đó cũng là lý do mà hàng loạt các luật đã được sửa đổi, bổ sung trong năm 2014 để phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản mới được Quốc hội ban hành đã có nhiều thay đổi mang tính chất đột phá liên quan đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở... Các luật này sẽ tạo môi trường pháp lý rất quan trọng để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực xây dựng, nhà ở, bất động sản.
Ngành ngân hàng cũng đã có những chuẩn bị để hội nhập. Nhiều tiêu chuẩn về nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro hay quản trị ngân hàng đang tiệm cận dần với thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện Đề án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tập trung vào nhóm ngân hàng yếu kém nhất. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, từ năm 2015 sẽ tập trung tái cơ cấu đồng bộ hơn, tái cơ cấu cả những ngân hàng yếu kém để có thể phát triển bền vững hơn, còn ngân hàng trung bình vươn lên trở thành ngân hàng tốt.
Các tư lệnh ngành đã có sự chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng. Các bộ, ngành cũng cần tháo gỡ vướng mắc về thể chế để định hướng, giúp doanh nghiệp có các điều kiện cần và đủ cho hội nhập. Điều kiện đủ phải là sự cố gắng tự thân của chính các đơn vị - đó là sự chủ động. Ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp, khi gia nhập WTO, nhiều người hay đề cập đến việc nông dân hội nhập. Nhưng trong bối cảnh mới, sự hội nhập sâu rộng phải được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp. Đó là sự dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến nghiên cứu thị trường và tiêu thụ sản phẩm.