Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Bến Tre
Thu thập dữ liệu sơ cấp từ 313 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Bến Tre, sử dụng phương pháp hồi quy đa biến, nghiên cứu đã tìm ra được 06 nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, bao gồm: Đặc điểm doanh nghiệp, đặc điểm chủ doanh nghiệp, vốn, mối quan hệ xã hội, chính sách hỗ trợ, hoạt động đổi mới. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất 6 nhóm giải pháp giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Bến Tre.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Năm 2018, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 2.600 DNNVV, chiếm 73% tổng DN trên địa bàn. DNNVV đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội địa phương. Riêng trên địa bàn TP. Bến Tre, sản xuất kinh doanh của các DNNVV phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2018, toàn Thành phố có 146 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn trên 1,1 tỷ đồng; 936 hộ kinh doanh cá thể được thành lập mới, tỷ lệ DNNVV chiếm trên 96%, lao động chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề (Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Bến Tre, Cục Thống kê tỉnh Bến Tre).
Số lượng DNNVV trên địa bàn TP. Bến Tre tương đối lớn nhưng vẫn thấp hơn so với các địa bàn khác trong khu vực. Hầu hết các DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm, trình độ quản lý, quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận vốn thấp, thiếu sự liên kết giữa các DN trên địa bàn. Chính các yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của DNNVV.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, nghiên cứu này nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DNNVV, từ đó đề xuất một số giải pháp để giúp các DNNVV trên địa bàn Thành phố Bến Tre hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao hơn.
Lược khảo tài liệu
Với mục tiêu nhằm đưa ra những minh chứng về tầm quan trọng của đổi mới với kết quả hoạt động sản xuất của các DNNVV tại Việt Nam, nghiên cứu của Vũ Hoàng Nam và Đoàn Quang Hưng phân tích các yếu tố tác động đến kết quả sản xuất được đo lường bằng lợi nhuận gộp của các DNNVV. Nghiên cứu sử dụng số liệu điều tra DNNVV trong các năm 2005, 2007, 2009 và 2011. Tác giả chọn mẫu với số mẫu trung bình là 2.500 DNNVV (Bộ số liệu này bao gồm các chỉ số của DN, đặc biệt là các chỉ số liên quan đến đổi mới, chi phí và doanh thu). Trong mô hình nghiên cứu, tác giả đã xác định 6 nhân tố gồm: Đặc điểm chủ DN, đặc điểm lao động, cơ sở hạ tầng, mạng lưới liên kết, hoạt động đổi mới và vốn có tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN.
Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011), với mục tiêu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV ở TP. Cần Thơ, đã đưa ra mô hình nghiên cứu bao gồm 5 biến độc lập: Chính sách hỗ trợ, đặc điểm chủ DN, đặc điểm DN, mối quan hệ xã hội, tốc độ tăng doanh thu.
Trong khi đó, để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu của Nguyễn Đức Trọng (2010) đã tiến hành khảo sát 60 DNNVV trên 6 tỉnh thuộc khu vực, chọn mẫu ngẫu nhiên cắt lớp với tỷ lệ mẫu 1%/tổng số DNNVV của mỗi tỉnh (cắt lớp theo địa lý), sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích so sánh tương đối, tuyệt đối và phân tích hồi quy đa biến. Các nhân tố được đưa vào mô hình nghiên cứu là: Trình độ, kinh nghiệm, quy mô DN, loại hình DN, số lao động bình quân trong DN, vốn.
Tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DNNVV trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhóm tác giả Nguyễn Minh Tân, Võ Thành Danh và Tăng Thị Ngân (2015) đã tiến hành khảo sát với cỡ mẫu là 113 DNNVV trên địa bàn, sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả, phân tích hồi quy tuyến tính đa biến để xác định, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DNNVV trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trong mô hình hồi quy, biến phụ thuộc là ROS (tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của DN). Các biến độc lập bao gồm: Giới tính, trình độ học vấn, kinh nghiệm, mối quan hệ xã hội, loại hình, lĩnh vực, quy mô, tuổi DN, tốc độ tăng doanh thu, chính sách hỗ trợ.
Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở kế thừa mô hình nghiên cứu của Ngô Hoàng Thảo Trang (2016), nhóm tác giả để xuất mô hình nghiên cứu như sau:
Mô hình hồi quy bội biểu diễn mối quan hệ giữa 2 hay nhiều biến độc lập với 1 biến phụ thuộc định lượng. Mô hình có dạng:
Yi = β0 + β1X1i + β2X2i + … + βkXki + … + βpXpi + εi
Trong đó:
Xpi: Biểu hiện giá trị biến độc lập thứ p tại quan sát thứ i.
βk: Là hệ số hồi quy riêng phần.
εi: Là một biến độc lập ngẫu nhiên có phân phối chuẩn với trung bính là 0 và phương sai không đổi σ2 (sai số).
Như vậy, trong nghiên cứu này, tác giả chọn cỡ mẫu cần thiết để thỏa mãn cả phân tích nhân tố EFA và hồi quy đa biến là N³ 215 phiếu (N³ max (5*x; 5+8p)). Đề phòng trường hợp các mẫu thiếu thông tin, tác giả sử dụng 345 phiếu khảo sát và thực hiện kiểm soát mẫu thu được xuyên suốt trong quá trình khảo sát. Sau khi thu thập dữ liệu, các phiếu câu hỏi được xem xét và loại đi những phiếu câu hỏi không đạt yêu cầu, sau đó mã hóa, nhập liệu và làm sạch dữ liệu bằng phần mềm SPSS.
Kết quả nghiên cứu
Với kết quả kiểm định các giả thuyết ở trên, nghiên cứu chuyển sang bước tiếp theo, kiểm định mô hình nghiên cứu. Phân tích hồi quy được thực hiện bằng phương pháp Enter (đưa đồng thời tất cả các biến vào mô hình) các biến được đưa vào cùng một lúc để chọn lọc dựa trên tiêu chí chọn những biến có mức ý nghĩa Sig <0,05. Phân tích hồi quy được thực hiện với 8 biến độc lập bao gồm: DN, chủ DN, lao động, vốn, mối quan hệ xã hội, hạ tầng, chính sách, đổi mới.
Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội cho thấy, mô hình có R2 = 0,549 và R2 được hiệu chỉnh = 0,537. R2 điều chỉnh nhỏ hơn R2 nên được dùng để đánh giá độ phù hợp của mô hình sẽ an toàn hơn (vì nó không thổi phồng mức độ phù hợp của mô hình - Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2009). R2 được điều chỉnh = 0,537 nói lên độ thích hợp của mô hình là 53,7%, hay nói cách khác các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu ảnh hưởng đến 53,7% sự biến thiên của biến hiệu quả kinh doanh, còn lại 46,3% sự kiểm soát ảnh hưởng của các biến ngoài mô hình do sai số ngẫu nhiên.
Kết quả hồi quy cho thấy, có 2 nhân tố tác động đến hiệu quả kinh doanh của DNVVN tại TP. Bến Tre không đạt được độ tin cậy, nhỏ hơn 0,05%, đó là nhân tố LD (sig = 0,475) và HT (Sig = 0,448). Do đó, 2 nhân tố này bị loại khỏi mô hình nghiên cứu.
Hệ số phóng đại phương sai VIF rất nhỏ, từ 1,024 đến 1,227, nhỏ hơn 2, cho thấy các biến độc lập này không có quan hệ chặt chẽ với nhau nên mô hình không tồn tại đa cộng tuyến.
Con người là nhân tố quyết định cho mọi hoạt động trong DN. Trong thời đại ngày nay, hàm lượng chất xám được đưa vào sản phẩm ngày càng cao, có nghĩa là trình độ chuyên môn của người lao động có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Các cán bộ quản lý, những lao động gián tiếp tạo ra sản phẩm nhưng có vai trò rất quan trọng bởi họ là những người điều hành và định hướng cho DN, quyết định sự thành bại của DN. Công nhân có tay nghề cao sẽ làm ra sản phẩm đạt chất lượng cao, tiết kiệm thời gian và nguyên vật liệu, làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, trong nhân tố con người, trình độ chuyên môn có ý nghĩa quyết định tới hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trên địa bàn TP. Bến Tre, cơ cấu lao động tương đối ổn định, không có sự biến động về lao động, lao động tập trung về thành phố, nơi có nhiều điều kiện phát triển kinh tế. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động tham gia hoạt động kinh tế ngày càng tăng. Cụ thể, đến năm 2018, lực lượng lao động trong độ tuổi qua đào tạo chiếm tỷ lệ 67,2%, lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp, bằng nghề được đào tạo dài hạn chiếm tỷ lệ 37%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp là chiếm tỷ lệ 10%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 53%. Nguồn lao động ổn định và trình độ cao đã giúp DN trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.
Cơ sở hạ tầng tại TP. Bến Tre cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ giúp các DN nâng cao năng suất và đạt hiệu quả cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phần lớn đồng bộ và tạo được sự kết nối với các địa phương khác. Ngoài ra, hoạt động của DN trên địa bàn hiện nay chịu sự tác động của công nghệ thông tin, trong đó cơ sở hạ tầng thông tin là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến công tác quản trị cũng như hiệu quả hoạt động của DN. Vì vậy, việc phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai và ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản trị nguồn lực thông tin DN, nhờ đó, nâng cao hiệu quả kỹ thuật và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chung của các DNNVV trên địa bàn TP. Bến Tre.
Các hàm ý chính sách nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Bến Tre
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNVV tại TP. Bến Tre, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Việc phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai và ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản trị nguồn lực thông tin doanh nghiệp, nhờ đó nâng cao hiệu quả kỹ thuật và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Thứ nhất, về mối quan hệ xã hội: Các DNNVV cần coi trọng liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh để cùng mở rộng sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất từ khâu cung cấp nguyên vật liệu đến khâu tạo thành sản phẩm. “Đầu ra” của DN này là “đầu vào” của DN kia và ngược lại. DN cần có sự đảm bảo liên kết với các nguồn cung đầu vào, đảm bảo về số lượng, chất lượng, hạn chế tình trạng ép giá. Các DN cần quan tâm cũng cố chất lượng sản phẩm đầu ra để giá thành sản phẩm không tăng nhằm phục vụ tốt cho thị trường đem lại lợi ích cho DN cao hơn và cũng phù hợp với mức chi tiêu của khách hàng.
Thứ hai, về các hoạt động đổi mới: Các DN trên địa bàn cần chủ động trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đổi mới máy móc thiết bị công nghệ. Các DN cần có tư duy và chiến lược đúng đắn trong đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ phù hợp với khả năng của đơn vị mình, đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ; Có biện pháp sử dụng hiệu quả các trang thiết bị công nghệ đã đầu tư, tăng cường công tác nghiên cứu cải tiến trang bị kỹ thuật công nghệ, có đãi ngộ đối với những phát minh sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế cao; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thiết bị công nghệ thiết lập các kênh thu thập, trao đổi thông tin về công nghệ và sử dụng các dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ.
Thứ ba, về đặc điểm DN: DN phải tìm hiểu thị trường, cập nhật các thay đổi từ thị trường để đáp ứng linh hoạt, tạo nên sự khác biệt từ sản phẩm của mình nhằm xây dựng thương hiệu có hiệu quả tốt hơn. Các DN phải liên kết hợp tác với những chuỗi thương mại, hợp tác với các thương hiệu mạnh để đẩy mạnh giá trị thương hiệu, từ đó sẽ bớt được chi phí đầu tư và nguồn lực ban đầu. DN cần có sự hợp tác tốt đối với các chuyên gia nghiên cứu để có được những chính sách hỗ trợ thích đáng hơn từ kết quả nghiên cứu. DN cần kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, quản lý kỹ các khâu thu chi nhằm mục đích hạ giá thành sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao, giúp DN hoạt động hiệu quả và phát triển tốt.
Thứ tư, về chính sách vốn cho DN: DN phải giải quyết tốt các công việc như thu hồi nợ từ các đơn vị khác, giải phóng hàng tồn kho không dự kiến.... Việc tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động có tác dụng làm giảm nhu cầu về vốn, do đó DN không bị áp lực phải đi vay để đầu tư cho các hoạt động cũng như để trả các khoản nợ như nợ nhà cung cấp…
Để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận với các nguồn vốn, cần đẩy nhanh việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV theo hướng dẫn của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương; Tạo điều kiện khuyến khích các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng đối với DNNVV; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển hình thức thuê mua tài chính cho các DNNVV.
Thứ năm, về đặc điểm chủ DN: Các chủ DN cần nâng cao năng lực quản trị: Thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của DN bằng cách tạo và duy trì các đòn bẩy khuyến khích những người trong DN tối đa hóa hiệu quả kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận của DN.
Chiến lược sản xuất, kinh doanh giữ vai trò rất quan trọng làm cho hoạt động của DN đạt hiệu quả cao, là điều kiện cơ bản để DN thắng lợi trong cạnh tranh. Trong điều kiện hội nhập, cần thay đổi tư duy và phương pháp hoạch định chiến lược. Các chủ DN cần thường xuyên học hỏi và tự bồi dưỡng để nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn cho mình để quản lý DN hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2018), Niên giám thống kê Bến Tre 2018, NXB. Thanh niên, Hà Nội, Việt Nam;
2. Võ Thành Danh, Ong Quốc Cường, Trần Bá Quang (2013), “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế DN nhỏ và vừa tại tỉnh Hậu Giang”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, tr. 34-44;
3. Văn Công Khanh (2009), Giải pháp nào để DN nhỏ và vừa Đồng bằng sông Cửu Long tăng sức cạnh tranh, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Đà Nẵng;
4. Phan Thị Minh Lý (2011), “Phân tích tác động của nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN nhỏ và vừa ở Thừa Thiên - Huế”, Tạp chí Khoa học công nghệ, Trường Đại học Đà Nẵng;
5. Vũ Hoàng Nam, Đoàn Quang Hưng (2013), Nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự phát triển của các DN nhỏ và vừa Việt Nam, Viện Kinh tế - thương mại quốc tế, trường Đại học Ngoại thương;
6. Nguyễn Quốc Nghi, Mai Văn Nam (2011), “Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DN nhỏ và vừa ở TP. Cần Thơ”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, (19b), tr.122-129;
7. Henrik Hansen, John Rand and Finn Tarp (2004), SME Growth and Survival in Viet Nam: Did Direct Government Support Matter, University of Copenhagen. Department of Economics;
8. Ari Kokko and Fredrik Sjoholn (2004), “The Internationalization of Viet Nam SMEs, Stockholm School of Economics”, Asian Economics Papers;
9. Qureshi (2012), Current health of quality management practices in service sector SME: A case study of Pakistan, Emerald Group Publishing Limited.