Các sếp nhận lương “khủng” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo phaply.net.vn

(Tài chính) Thời gian qua, việc hàng loạt công ty công ích sai phạm trong việc chi lương lãnh đạo cao bất thường, cao nhất có vị nhận 2,6 tỉ đồng/năm, gây bất bình dư luận. Cơ quan chức năng đã đình chỉ chức vụ Đảng và chính quyền của những vị lãnh đạo công ty này. Dư luận đặt câu hỏi, với những vi phạm đã được kết luận, các lãnh đạo nhận “lương khủng” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Lương “ khủng “ của lãnh đạo được cấu véo, xà xẻo từ quĩ lương của những người lao động dầm mình ngụp lặn dưới cống sâu hôi thối. Nguồn: Internet
Lương “ khủng “ của lãnh đạo được cấu véo, xà xẻo từ quĩ lương của những người lao động dầm mình ngụp lặn dưới cống sâu hôi thối. Nguồn: Internet

Pháp Lý Online đã trao đổi với một số luật gia, luật sư phân tích và bình luận chuyên sâu về vấn đề này.

Vi phạm pháp luật đã rõ…

Cơ chế kiểm soát, phân bố lợi nhuận, vấn đề tiền lương hàng tháng trả cho lãnh đạo tại Doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật như Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính; Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010 của Bộ Lao động thương binh và xã hội; Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 5/8/2010 của Bộ Tài chính; Thông tư số 138/2010/TT-BTC ngày 17/9/2010 của Bộ Tài chính. Và mới nhất là Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ; Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ; Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013.

Chúng tôi dựa vào các văn bản này để minh chứng cho những sai phạm pháp luật không thể bỏ qua của các “ ông chủ” ở những công ty công ích nhận “lương khủng”

Thứ nhất, về vấn đề tiền lương hàng tháng: theo khoản 1, Điều 4, Nghị định số 51/2013/NĐ-CP, một trong các nguyên tắc được Chính phủ xác định là tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách tại doanh nghiệp nhà nước gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa. Tức là, Chính phủ đã đưa ra mức trần đối với lương trả cho chức danh lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo đó bảng mức lương cơ bản (phụ lục II – ban hành kèm theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP) quy định Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách ở tập đoàn kinh tế có mức tiền lương tối đa là 36 triệu đồng/ tháng; Tổng giám đốc hoặc giám đốc tập đoàn kinh tế là 35 triệu đồng/tháng; Thành viên chuyên trách hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên trách, Phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc của tập đoàn kinh tế là 32 triệu đồng/tháng; Kế toán trưởng của tập đoàn kinh tế hưởng lương 29 triệu đồng/tháng. (Trước đây theo Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010 của Bộ Lao động- thương binh và xã hội thì mức lương tối đa các sếp này được hưởng cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng)

Còn đối với viên chức quản lý không chuyên trách tại công ty thì thù lao được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách.

Thứ hai, về vấn đề phân phối lợi nhuận và tiền thưởng cho các viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước: Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 51/2013/NĐ-CP quy định: “Tiền thưởng của viên chức quản lý được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm, phần còn lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ.”

Tại Điều 18 của Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ) quy định cụ thể về mức khen thưởng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp: “Hàng năm căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ, viên chức quản lý doanh nghiệp được xét chi thưởng từ Quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp như sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Được thưởng tối đa 1,5 tháng lương thực hiện của viên chức quản lý doanh nghiệp. Hoàn thành nhiệm vụ: Được thưởng tối đa 1 tháng lương thực hiện của viên chức quản lý doanh nghiệp. Không hoàn thành nhiệm vụ: Không được chi thưởng.”

Đây là một quy định mới, mới có hiệu lực từ ngày 15/8/2013, tuy nhiên ngay tại Điều 4 Thông tư số 138/2010/TT-BTC ngày 17/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với việc Trích lập quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty cũng đã xác định: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được trích tối đa 5% lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động để lập quỹ thưởng, mức trích một năm không vượt quá 500 triệu đồng (đối với công ty có Hội đồng thành viên), 200 triệu đồng (đối với công ty không có Hội đồng thành viên); Đối với trường hợp hoàn thành nhiệm vụ thì được trích tối đa 2,5% lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động để lập quỹ; mức trích một năm không vượt quá 250 triệu đồng (đối với công ty có Hội đồng thành viên), 100 triệu đồng (đối với công ty không có Hội đồng thành viên);  Đối với trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ thì không được trích lập quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty kể cả trường hợp công ty có lãi”.

Như vậy, nếu dẫn chiếu với những qui định trên, thì trường hợp cao nhất mà 8 vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước này có thể được hưởng hợp pháp: mức lương tối đa, thưởng tối đa do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lập quỹ thưởng tối đa trích từ lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động thì “con số hợp pháp” này vẫn là quá nhỏ so với mức lương “khủng” họ đã hưởng trên thực tế.

Có vẻ lãnh đạo các doanh nghiệp trên đã làm ngơ, thậm chí bất chấp qui định của Nhà nước, phớt lờ việc Chính phủ đã đưa ra mức trần đối với lương trả cho chức danh lãnh đạo doanh nghiệp (như đã trình bày ở trên), bỏ qua cả quy định về chế độ phân phối lợi nhuận đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ngay cả trong trường hợp lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động thì quỹ thưởng cho ban quản lý điều hành trích từ lợi nhuận cũng phải tuân thủ mức trần mà Chính phủ đã xác định.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định số 50/2013/NĐ-CP, khi năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm tăng thì mức tiền lương theo năng suất lao động tăng 1%, tiền lương được tăng thêm không quá 0,8% và đó là cơ sở để tính quỹ tiền lương thực hiện của người lao động. Công ty không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả cho thành viên lãnh đạo.

Thế nhưng để nhận được mức lương khủng, các lãnh đạo ở các công ty công ích này đã lấy từ quỹ lương của người lao động. Điều này trái nguyên tắc “Công ty không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả cho thành viên lãnh đạo”.

Có dấu hiệu tội phạm rõ ràng

Ý kiến của một luật gia cho rằng, hành vi bớt lương của lao động chi cho lương “khủng” của các vị lãnh đạo là nghiêm trọng. Điều 239 Bộ luật lao động năm 2012 có qui định:  “về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động xác định”: “Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Bộ luật này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”…  Tuy nhiên vì Bộ luật Hình sự không có quy định về loại tội này nên các vị giám đốc nhận lương khủng có thể thoát tội và chỉ bị xử phạt hành chính?!.

Nhưng theo Luật sư Chu Đăng Chung – Đoàn luật sư TP. Hà Nội, phân tích đánh giá: Hành vi sử dụng quỹ lương của người lao động để hưởng lương “khủng” của các vị lãnh đạo quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đã có các dấu hiệu của tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cụ thể: Hành vi sử dụng quỹ lương của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng vượt quá mức trần cho viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước vi phạm văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp hiện nay là Nghị định số 51/2013/NĐ-CP, Nghị định số 50/2013/NĐ-CP và Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ, (nếu xét về thời điểm hành vi xảy ra thì vi phạm trực tiếp Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước; Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010 của Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu); vi phạm Thông tư số 117/2010/TT-BTC và Thông tư số 138/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Xét về hậu quả, có nhiều mức hậu quả khác nhau nhưng cao nhất là gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Đó là mức hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì đáng ra nguồn tiền đó ngay từ đầu phải được cho vào quỹ lương của người lao động để tăng lương, thưởng cho họ, để góp phần phục vụ và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người lao động, nhưng số tiền này đã bị các “quan tham” cấu véo, ăn chặn, bòn rút, gây phẫn uất trong dư luận (dẫn chiếu vào khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự).

Như vậy, có thể khẳng định, hành vi các “ quan tham” sử dụng quỹ lương của người lao động để phân bổ lương “khủng” cho mình là có tính chất nguy hiểm đáng kể, không chỉ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nói chung, vi phạm các quy định trong kiểm soát và phân bố lợi nhuận tại doanh nghiệp nhà nước nói riêng mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng trên thực tế. Vụ việc đã có đầy đủ các dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Nếu các cơ quan có thẩm quyền không xử nghiêm vụ này, chỉ xử lý hành vi của các vị lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nhà nước này ở mức độ vi phạm hành chính thì thật sự chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng của hành vi mà họ đã gây ra. Vì vậy cần truy cứu trách nhiệm hình sự những vị “ quan tham “ này về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới thỏa đáng.