Các thách thức trong bảo tồn, sử dụng bền vững đại dương, biển, các nguồn lợi của biển

Minh Thư

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững (PTBV). Tuy nhiên, việc đạt được Mục tiêu PTBV 14 (SDG 14): Tài nguyên nước - Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Nỗ lực bảo tồn, sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển

Theo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023 của Việt Nam được công bố mới đây, Việt Nam đang triển khai Chiến lược PTBV kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các hoạt động ngăn ngừa và kiểm soát các loại ô nhiễm biển đã duy trì chất lượng môi trường nước ven biển và đại dương nằm trong giới hạn cho phép. Các khu bảo tồn biển và ven biển, tuy còn khá khiêm tốn, đã góp phần quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn. Sự gia tăng nhanh chóng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản cũng làm giảm áp lực lên sản lượng khai thác nguồn lợi biển tự nhiên.

Trong năm 2020, tỷ lệ điểm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ đạt yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thông số ô nhiễm chất hữu cơ (N-NH4+) là 99% và đối với các thông số về tổng dầu mỡ là 92%.

Sản lượng thủy sản của Việt Nam tăng từ 6,5 triệu tấn vào năm 2015 lên 8,4 triệu tấn vào năm 2020, với mức tăng trung bình khoảng 4,6%/năm. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp, hệ sinh thái ven biển, biển và hải đảo đang chịu áp lực rất lớn của phát triển kinh tế - xã hội và ô nhiễm môi trường; trữ lượng thủy, hải sản ngày càng bị thu hẹp do bị đánh bắt quá mức. Có thể nói việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 14 là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Các khó khăn, thách thức

Theo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, việc thực hiện mục tiêu 14.1 (Đến năm 2030, ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển) còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể: Các quy định pháp lý đặc biệt là các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển đang trong quá trình xây dựng, đồng thời không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về biển hải đảo dẫn đến công tác giám sát việc thực thi các quy định bảo vệ môi trường biển còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó sự cố môi trường biển còn hạn chế; việc phát triển không theo quy hoạch trong một số lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản, lấn biển để phát triển các khu du lịch và dịch vụ biển còn diễn ra phức tạp; phát triển kinh tế nóng cùng với ô nhiễm do chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa từ đất liền và khu đô thị, cộng đồng dân cư ven biển tạo áp lực ngày càng lớn lên môi trường biển….

Với mục tiêu 14.2 (Đến năm 2030, tăng cường quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo để tránh các tác động tiêu cực, tăng cường sức khỏe và khả năng chống chịu cho đại dương), một số kết quả của Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 120) đã đạt được.

Diện tích rừng trồng mới và trồng bổ sung tuy đạt 104% theo Quyết định điều chỉnh số 770/QĐ-TTg ngày 23/06/2019 của Thủ tướng Chính phủ, song chưa đạt được so với mục tiêu, nhiệm vụ ban đầu của Đề án 120 đặt ra. Kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy, các hệ sinh thái biển, hải đảo dọc suốt chiều dài bờ biển Việt Nam đang bị suy thoái ở mức độ khác nhau do tác động của ô nhiễm môi trường, BĐKH và các hoạt động kinh tế khác. Việc ngăn chặn mức độ suy thoái đối với các hệ sinh thái biển, hải đảo là một thách thức lớn đối với các bộ, ngành và địa phương.

Với mục tiêu 14.3 (Giảm thiểu và xử lý tác động của axít hóa đại dương, ưu tiên việc tăng cường hợp tác khoa học ở tất cả các cấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu), về độ axit (pH) của biển Việt Nam, tỷ lệ điểm quan trắc biển xa bờ có độ pH trung bình đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 100% vào năm 2015, còn những nghiên cứu bước đầu về axít hóa đại dương ở Việt Nam đã chỉ ra giá trị pH cao nhất là 8,1223 ± 0,0944 (vùng rạn đảo Phú Quý) và 8,1298 ± 0.0539 (Vịnh Nha Trang) và số liệu này tương tự như tình trạng các khu vực biển khác trên thế giới. Việt Nam chưa có quy định cụ thể, do đó cũng chưa triển khai các hoạt động về giảm thiểu và xử lý tác động của axít hóa đại dương.

Với mục tiêu 14.4 (Đến năm 2020, quản lý một cách hiệu quả hoạt động khai thác, chấm dứt việc khai hải sản quá mức, các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không được báo cáo hoặc không theo quy định và những hoạt động khai thác hải sản mang tính hủy diệt…), Chính phủ Việt Nam quyết tâm và đã có nhiều hành động quyết liệt để phòng, chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), trong đó có hợp tác quốc tế để vừa phòng chống IUU, vừa bảo đảm sinh kế người dân, cũng như hoàn thiện khung pháp lý. Tuy đã xác định và giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, tạm dừng việc đóng mới tàu cá nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của EC về giảm cường lực khai thác. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

Với việc thực hiện Mục tiêu 14.5 (Đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên, dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế), đến nay, đã có 16 khu vực biển được xác định và quy hoạch thành các khu bảo tồn biển để quản lý, trong đó có 12 khu đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 185.000 ha, tương ứng 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn rất hạn chế. Nguồn ngân sách từ trung ương chủ yếu đầu tư cho công tác điều tra, thiết lập quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển, còn đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển chủ yếu từ ngân sách địa phương và từ hỗ trợ của các đối tác phát triển.

So với nhu cầu thực tế thì hoạt động tạo sinh kế thay thế cho người dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là tính bền vững của mô hình. Nhiều mô hình chỉ hoạt động hiệu quả khi có dự án hỗ trợ, khi dự án kết thúc đã không thể duy trì được, nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí để duy trì hoạt động.