Cải cách dịch vụ công vì mục tiêu hiệu quả
Dịch vụ công phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân nhằm mục tiêu hiệu quả và công bằng, không vì mục tiêu lợi nhuận. DVC là những dịch vụ mà chỉ cơ quan công quyền mới đủ tư cách và điều kiện để làm, liên quan đến an ninh quốc gia và lợi ích chung của đất nước.
Với trách nhiệm của mình, Nhà nước cũng trực tiếp cung ứng các loại dịch vụ ở các địa bàn, các lĩnh vực không thuận lợi mà thị trường không thể hay không muốn đầu tư,...
Phục vụ lợi ích cộng đồng
Điểm chung cơ bản của dịch vụ công là Nhà nước có trách nhiệm đến cùng trước xã hội, công dân đối với số lượng và chất lượng cung cấp các loại hình của dịch vụ công.
Theo đó, dịch vụ công là tất cả những hoạt động nhằm thực hiện những chức năng, nhiệm vụ vốn có của Chính phủ, của bộ máy nhà nước, bao gồm từ các hoạt động ban hành chính sách, pháp luật, Tòa án, cho đến những hoạt động y tế, giáo dục, giao thông công cộng, cấp điện, nước, xóa đói, giảm nghèo, an ninh, bảo trợ xã hội,...
Với trách nhiệm của mình, Nhà nước phải thành lập các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện, trường học, các cơ sở cung cấp điện, nước, giao thông,… tất cả đều không vì mục tiêu lợi nhuận. dịch vụ công có tính chất xã hội cao, mục tiêu là phục vụ lợi ích cộng đồng, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, công bằng và có tính quần chúng rộng rãi.
Vì vậy, tính kinh tế, lợi nhuận trong cơ chế thị trường không phải là điều kiện cần có của hoạt động dịch vụ công. Mức độ phát triển dịch vụ công phản ánh mức độ phát triển tính chất xã hội của kinh tế thị trường, tính chất nhân dân của Nhà nước pháp quyền.
Cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ công và phát triển con người có mối liên hệ mật thiết. Chất lượng dịch vụ công tốt tạo ra cơ hội và phát triển năng lực con người, đóng vai trò thiết yếu vào những tiến bộ phát triển con người hơn nữa.
Tăng cường trách nhiệm của chính quyền, công chức giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công của một quốc gia, dịch vụ công tốt hơn cũng có nghĩa là Chính phủ tốt hơn. Chất lượng dịch vụ càng cao góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn hình ảnh của chính quyền trong lòng người dân và người dân ngày càng gắn bó với chính quyền.
Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế nhà nước không còn là nguồn duy nhất sản xuất, cung cấp các dịch vụ công mà đảm nhiệm vai trò mới là nhà phát triển, hỗ trợ, điều phối và khuyến khích, xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo, pháp quyền. Cải cách hành chính đã từng bước tách dịch vụ công khỏi quản lý nhà nước.
Huy động, động viên sự đóng góp kinh phí của mỗi người cho hoạt động cung ứng dịch vụ công cho Nhà nước; làm giảm gánh nặng ngân sách để Nhà nước tập trung ngân sách vào nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các mô hình cung ứng dịch vụ công thời nhà nước bao cấp đã gần như cáo chung.
Nhìn chung, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cung cấp các dịch vụ công, tuy nhiên cũng có những hạn chế. Dịch vụ cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng, cấp điện, cấp nước, trường học và các dịch vụ công khác cho người dân còn chưa đạt yêu cầu, vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước, thiếu phòng học, bệnh viện quá tải, phòng cháy, chữa cháy bất cập, thiếu điện, thiếu nước, giá điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục tăng,… là những hạn chế dễ nhận thấy nhất.
Ngoài ra, có sự mất cân bằng trong tiếp cận dịch vụ công giữa các địa phương, các nhóm dân cư, nhất là các dịch vụ xã hội chất lượng cao như y tế và giáo dục,... Một bộ phận công chức vẫn coi dịch vụ công như cái cớ để "hành" DN và người dân.
Làm tốt chức năng phục vụ
Để cải cách dịch vụ công hướng tới mục tiêu hiệu quả, công bằng và không vì lợi nhuận, theo quan điểm chúng tôi, Nhà nước phải bảo đảm tốt hai chức năng quản lý và phục vụ. Cùng với hiệu quả của dịch vụ công, chức năng phục vụ ngày càng nổi lên và chức năng quản lý ngày càng gọn nhẹ và hiệu quả.
Gắn kết nhuần nhuyễn hai chức năng quản lý và phục vụ là khoa học và nghệ thuật quản lý của Nhà nước. Tất cả những dịch vụ cung ứng dù ở bất kỳ hình thức nào thì Nhà nước vẫn là người chịu trách nhiệm trước xã hội về việc bảo đảm cung ứng chúng. Nhà nước không thể bỏ mặc hay trao hoàn toàn sự cung ứng dịch vụ công cho tư nhân (thị trường) cung cấp, bởi các hoạt động này luôn luôn thuộc nghĩa vụ của Nhà nước đối với nhân dân.
Thời kỳ tới, Nhà nước tập trung tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ công, khuyến khích mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan cung ứng dịch vụ công. Cải cách khu vực dịch vụ công cần theo hướng hiện đại, năng động, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân với mục tiêu hiệu quả và công bằng, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Cần mở rộng hơn về chi tiêu công của Chính phủ cho dịch vụ công, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các hoạt động sự nghiệp công cơ bản và cơ cấu lại chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công theo hướng bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ theo số lượng, chất lượng hoạt động ở các địa bàn vùng núi, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc ít người trong các lĩnh vực sự nghiệp công. Người dân thụ hưởng dịch vụ công không trực tiếp trả tiền (đã trả qua hình thức thuế), tuy nhiên có những trường hợp phải trả lệ phí, cần theo quy định chặt chẽ của pháp luật.
Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo để được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn. Chính phủ thu hút sự tham gia của người dân vào đầu tư dịch vụ công, nhưng phải giải quyết các mối quan hệ quyền lợi như vừa phải bảo đảm quyền lợi của người đầu tư không nhằm mục tiêu lợi nhuận, vừa đạt được sự đồng thuận của cộng đồng người tiêu dùng dịch vụ, nhất là người nghèo với mục tiêu hiệu quả, công bằng.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức có phẩm chất, trình độ, năng lực, khắc phục những tồn tại và hạn chế trong quản lý dịch vụ công hiện nay. Hoàn thiện hơn các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, của người dân đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm cung cấp tốt hơn cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế các mặt trái của cơ chế thị trường.