Cải cách doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Cải cách doanh nghiệp nhà nước luôn đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường của nhiều quốc gia. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi tính chất minh bạch, công bằng và tự do trong các giao dịch quốc tế. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước trước áp lực hội nhập quốc tế
Cùng với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc mở cửa và hội nhập quốc tế cạnh tranh quốc tế diễn ra ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế về khả năng cạnh tranh thậm chí xuất hiện tình trạng thua lỗ nhiều tỷ đồng như Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)… Có thể nói, quá trình đổi mới nền kinh tế Việt Nam thể hiện tập trung ở chuyển đổi sở hữu và cải cách DNNN nhằm thu hẹp quy mô sở hữu của DNNN, đồng thời với việc thay đổi cơ chế vận hành của sở hữu, tách quyền sở hữu khỏi quyền sử dụng, đổi mới quản trị công ty và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với việc thực hiện các đột phá chiến lược, có một phần đáng kể, phụ thuộc vào cải cách DNNN. Giai đoạn 2010-2015, Việt Nam có những chuyển biến quan trọng về thể chế. Theo đó, chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp 2013 khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN trong đó DN được kinh doanh những lĩnh vực không bị pháp luật cấm. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đàm phán, ký kết và đang trong quá trình thực hiện, tạo áp lực rất lớn trong tiến trình cải cách DNNN để tuân thủ đầy đủ cam kết quốc tế. Đặc biệt, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có một phần đề cập khá chặt chẽ đến tính minh bạch và công bằng của DNNN so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2015, việc tái cơ cấu DNNN được triển khai thực hiện quyết liệt với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Các công việc được đẩy mạnh thực hiện là cổ phần hoá (CPH), thoái vốn đầu tư ngoài ngành và áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh. DN coi trọng hơn đến đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường.
Kết quả là tính từ đầu năm tới ngày 10/11/2015, cả nước đã có 175 DN được sắp xếp. Trong đó, 159 DN đã được phê duyệt phương án CPH. Ngoài ra, có 16 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác như bán, sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên. Như vậy, với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ và thực hiện quyết liệt của các cơ quan chủ quản, trong 2 năm (2014 và 2015) cả nước CPH được 353 DN. Còn tính từ năm 2011 tới nay, cả nước đã sắp xếp được 471 DN, trong đó CPH được 408 DN (bằng 79,37% tổng số DN phải CPH). Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.
DN thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Về tài chính, tổng tài sản của DNNN năm 2015 tăng khoảng 36% so với năm 2010, vốn chủ sở hữu tăng 62%, doanh thu tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 56%; theo báo cáo hợp nhất tổng tài sản tăng 26%, vốn chủ sở hữu tăng 57%, doanh thu tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 16%.
Những yêu cầu đặt ra
Cải cách DNNN gắn với việc phát huy bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế chủ động, tích cực và ngày càng sâu rộng của Việt Nam với phần còn lại của thế giới. DNNN là một loại hình DN không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới đặt ra những yêu cầu bắt buộc phải cải cách DNNN để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ nhất, bảo toàn và phát triển nguồn vốn và tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu được DNNN sử dụng.
Yêu cầu này hình thành từ việc bảo vệ sở hữu toàn dân với tư cách là hình thức sở hữu mang tính đặc trưng và phản ánh bản chất cao nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Về mặt pháp lý, quyền sở hữu gồm có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt và các quyền năng phái sinh như quyền hưởng lợi, chuyển đổi, chuyển nhượng… Các nguồn vốn và tài sản này là tiền đóng thuế của DN, nhân dân, tài nguyên quốc gia, tiền vay nước ngoài hoặc các khoản hỗ trợ, giúp đỡ của đối tác quốc tế đối với nhân dân Việt Nam trong giai đoạn lịch sử cho nên DNNN cần được bảo toàn và phát triển cả về quy mô, phạm vi sử dụng cũng như tác động lan tỏa.
Các hoạt động sử dụng kém hiệu quả, lãng phí, tham nhũng, gây thất thoát vốn và tài sản đều trái với mục tiêu đặt ra trong hình thành và sử dụng nguồn vốn và tài sản này. Vốn và tài sản DNNN được bảo toàn và phát triển góp phần làm tăng ảnh hưởng của kinh tế nhà nước, phát huy cao nhất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, do quy định nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của DNNN cho nên Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm vô hạn đối với nguồn vốn và tài sản này. Việc bảo toàn và phát triển nguồn vốn, tài sản thuộc sở hữu toàn dân đặt dưới sự giám sát của toàn dân với cơ chế thích hợp sẽ làm tăng lòng tin của toàn thể nhân dân và DN vào khả năng nắm giữ, bảo toàn và sử dụng nguồn vốn. Để thực hiện yêu cầu này, cần có cơ chế bảo toàn và sử dụng với hiệu quả ngày càng cao vốn và tài sản giao cho DNNN đặc biệt là cơ chế công khai và minh bạch trước toàn dân, lựa chọn lĩnh vực đầu tư, nắm bắt nhanh chóng cơ hội trong tầm nhìn dài hạn với chiến lược đầu tư vốn và tài sản tối ưu.
Thứ hai, phát huy vị trí, vai trò, tác dụng của DNNN đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm DNNN vận hành phù hợp với thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Đây là yêu cầu gắn với các điều kiện cụ thể thậm chí đặc thù của đất nước phải tuân thủ. Mặc dù, các DN thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh lành mạnh và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên, DNNN phải thể hiện được vị trí tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát huy vai trò của các tổ chức kinh doanh nắm giữ tài sản thuộc sở hữu toàn dân, cải thiện năng lực cạnh tranh, chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật và cam kết quốc tế…
Yêu cầu này đòi hỏi quá trình cải cách phải thúc đẩy, phát huy được ưu thế nổi trội của DNNN so với các DN khác trong quá trình sáng tạo giá trị. Trên thực tế, DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang thể hiện khá rõ vị trí, vai trò và tác dụng đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư toàn xã hội (30%), tỷ trọng xuất khẩu lớn (khoảng 70%), tạo việc làm và rèn luyện kỹ luật, tác phong công nghiệp trong lao động.
Thứ ba, tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết.
Đến nay sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đàm phán ký kết được các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặc biệt là Hiệp định TPP ngày 5/10/2015. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch hóa hoạt động DNNN vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong điều kiện hiện đại của các đối tác kinh tế hoặc đối tác thương mại chiến lược vốn có nền kinh tế thị trường phát triển cao. Các thỏa thuận về DNNN đã được khẳng định trong các cam kế, tạo táp lực thúc đẩy quá trình cải cách tiến hành nhanh hơn và bảo đảm diễn ra đúng hướng với yêu cầu của đối tác quốc tế đã được cam kết.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng năng suất lao động, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế và phát huy được giá trị cốt lõi.
Yêu cầu này xuất phát từ chính bản thân từng DN hoặc yêu cầu của ngành nghề kinh doanh đòi hỏi DNNN phải thích ứng, để có thể tồn tại và phát triển. Các khoản hỗ trợ của Nhà nước về vốn đầu tư, thuế, phí, lệ phí, thủ tục, đơn đặt hàng… hầu như bị giảm thiểu. Nói cách khác, các đặc quyền để các DNNN phát huy vị thế độc quyền nhằm thu lợi nhuận độc quyền sẽ không còn tồn tại cả. Hơn nữa, cạnh tranh quốc tế diễn ra găy gắt cho nên khả năng để thu lợi từ các hàng rào bảo hộ, bảo trợ của nhà nước cũng chấm dứt.
DNNN tự thân phải có chiến lược cạnh tranh hữu hiệu, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, đổi mới quản trị công ty, tích cực mở rộng thị trường, phát triển quan hệ với đối tác để ký kết được nhiều hợp đồng mới, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động… và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế. Do khả năng đồng hóa sản phẩm khá cao cũng như mô hình quản trị dễ bị sao chép trong cạnh tranh trên các thị trường hẹp, DNNN cần xây dựng và bảo vệ giá trị cốt lõi đặc biệt là những giá trị mang tính khác biệt hợp lý gắn với thương hiệu mạnh để không bị thất bại trong cạnh tranh. Vì số lượng DNNN bị thu hẹp cho nên DN nào chưa tạo được giá trị cốt lõi, có thể dễ dàng bị đóng cửa hoặc sáp nhập vào các DN khác. Các phương án chuẩn bị cho quá trình đóng cửa, sáp nhập, mua lại này cũng cần được xây dựng theo quan điểm cải cách chủ động, tích cực và ủng hộ sự phát triển.
Để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, phát huy triệt để các lợi thế: cạnh tranh, theo quy mô và do kết nối mạng lưới… đòi hỏi các DNNN phải lựa chọn được những nhà quản trị DNNN có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực cao để lãnh đạo, điều hành DN trong môi trường cạnh tranh ngày gay gắt. Việc lựa chọn này có thể thông qua cơ chế chỉ định, thông qua thi tuyển hoặc thuê nhân sự điều hành cao cấp trong nước hoặc ngoài nước.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến trình cải cách DNNN để tạo động lực cải cách các lĩnh vực khác trong nền kinh tế cũng như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Quá trình cải cách DNNN ở Việt Nam được triển khai thực hiện thông qua hoạt động CPH. Cùng với đó, các hoạt động khác cũng được triển khai thực hiện như sáp nhập, mua lại, bán, cho thuê, chia tách, thành lập mới, đóng cửa... Đây là hoạt động tăng hiệu quả, vai trò của DNNN trái ngược với xu hướng tư nhân hóa làm suy yếu hệ thống DNNN. Càng đẩy nhanh quá trình cải cách, càng tăng thêm cơ hội nâng cao hiệu quả trong thời gian ngắn, giảm thiểu thời gian thua lỗ hoặc gây gánh nặng đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân do DN nắm giữ.
Để đẩy nhanh tốc độ CPH, cần xác định lại cơ cấu các loại hình DN trong nền kinh tế, phân tích tương quan về số lượng, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng và triển vọng mở rộng trong thời kỳ hội nhập. Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn Việt Nam thực hiện gần như đầy đủ các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại thế hệ mới. Đồng thời, xác định đây là thời kỳ phải hoàn thành cơ bản việc cải cách DNNN, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Các cơ quan quản lý DNNN cần xây dựng chương trình cải cách DN phù hợp, khoa học, quyết liệt để góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cải cách các loại tổ chức kinh doanh thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác của nền kinh tế cũng như góp phần xây dựng mô hình đặc trưng và mang tính mẫu mực của DNNN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập khác với các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ cải cách nên tranh thủ mọi khả năng khai thác, lựa chọn, học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương tự để áp dụng vào Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. NXB Chính trị Quốc gia;
2. Hiệp định TPP (www.moit.gov.vn);
3. Hiến pháp sửa đổi năm 2013;
4. Luật DN 2014;
5. Luật Đầu tư công;
6. Martin Painter (2005), State Owned Enterprise Reform in Vietnam, RCPM Institutions Stream Research Proposal;
7. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Kỳ họp thứ 10, Khóa XIII. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ.