Cải cách hành chính ngành Tài chính: Thành tựu 2016 - Kế hoạch 2017
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, ngành Tài chính đã chủ động và kịp thời triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động với các giải pháp quyết liệt, các nhiệm vụ cụ thể hóa gắn chặt với trách nhiệm của từng thủ trưởng đơn vị. Việc làm trên đã góp phần quan trọng vào thành công chung của công cuộc cải cách hành chính nước ta, tác động mạnh mẽ đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhiều kết quả tích cực
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và từ năm 2014 tới nay, hàng năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2016, ngoài Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Chính phủ còn ban hành thêm Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.
Chủ động và kịp thời triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1134/QĐ-BTC ngày 23/5/2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ, trong đó cụ thể hóa các giải pháp thành 118 nhiệm vụ và xác định rõ 83/118 nhiệm vụ cần khẩn trương hoàn thành trong năm 2016;
Ban hành Quyết định 1239/QĐ-BTC ngày 31/5/2016 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP với 46 nhiệm vụ cụ thể. Với nỗ lực trên, hoạt động cải cách hành chính của Bộ Tài chính đã đạt nhiều kết quả toàn diện, tác động trực tiếp và tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh:
Về cải cách thể chế
Hệ thống pháp luật tài chính tiếp tục được Bộ Tài chính hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 109 đề án, trong đó có 91 đề án trong chương trình, ngoài ra còn 28 đề án bổ sung ngoài chương trình; soạn thảo và ban hành theo thẩm quyền 310 thông tư. Trong đó, có nhiều văn bản trọng tâm tác động mạnh mẽ tới người dân và DN. Điển hình như:
- Lĩnh vực hải quan: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 nghị định, 02 quyết định và 10 thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đồng thời, ban hành 11 quy trình, quy chế nghiệp vụ về hải quan để hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu quả.
- Lĩnh vực thuế: Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành 01 Luật, 01 Nghị quyết; Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 nghị định, 01 nghị quyết và 04 quyết định; cùng với đó ban hành theo thẩm quyền 185 thông tư, thông tư liên tịch.
Việc sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản pháp luật đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho tổ chức cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh.
Về cải cách thủ tục hành chính
Xác định cải cách TTHC là khâu đột phá trong CCHC, căn cứ vào các Kế hoạch hành động, Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp cải cách TTHC sau:
i) Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật ngay từ khâu dự thảo;
ii) Chủ động rà soát các TTHC hiện hành để đề nghị sửa đổi, bổ sung và thay thế, qua đó nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, DN;
iii) Công khai, minh bạch tất cả các TTHC thông qua việc thực hiện đánh giá tác động và tham gia ý kiến, thẩm định nội dung đối với 128 TTHC tại 31 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC; Thực hiện rà soát, ban hành 16 quyết định để chuẩn hóa 908 TTHC; Triển khai rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa đối với 91 TTHC, giấy tờ công dân; bãi bỏ 17 tờ khai và 16 TTHC (57 TTHC trong lĩnh vực thuế; 32 TTHC trong lĩnh vực chứng khoán; 02 TTHC trong lĩnh vực hải quan).
Từ cơ sở trên, năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành 29 quyết định công bố TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý và đã thực hiện cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; Đã thực thi đơn giản hóa TTHC, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm nhanh số giờ thực hiện TTHC về thuế qua các năm và hiện còn 117 giờ/năm (giảm 420 giờ so với năm 2014).
Về hiện đại hóa hành chính
Trong năm 2016, ngành Tài chính đã có nhiều cải cách mạnh mẽ, trước yêu cầu cao về việc thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC không những là yêu cầu mà còn là nhiệm vụ cấp bách tạo nền tảng thực hiện hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ (GFMIS).
Do vậy, để đảm bảo sự đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như tạo thuận lợi cho người dân và DN theo đúng tinh thần Nghị quyết 30c/NQ-CP, Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP (Quyết định 2765/QĐ-BTC), đến nay nhiều kết quả đã đạt được sau nỗ lực triển khai thực hiện như:
Một là, việc ứng dụng công nghệ thông tin theo Kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 trong hoạt động của ngành Tài chính và tại cơ quan Bộ Tài chính đã thu được nhiều kết quả cụ thể:
- Tính đến 15/12/2016, đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 906 TTHC thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài chính, trong đó mức độ 3 là 105 thủ tục và mức độ 4 là 180 thủ tục.
- Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính theo Quyết định 2376/QĐ-BTC ngày 01/11/2016.
- Triển khai Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACSS/VCIS): 100% các quy trình, thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc. Tính từ 1/1/2016 đến hết ngày 15/12/2016, đã có trên 69,39 nghìn DN tham gia hệ thống, tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 298,44 tỷ USD, tổng số tờ khai xuất nhập khẩu là 8,36 triệu tờ khai.
- Thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, đã kết nối chính thức với 10/14 Bộ với 36 TTHC, xử lý trên 204 nghìn bộ hồ sơ hành chính với sự tham gia của hơn 8,2 nghìn DN.
- Về cơ chế một cửa ASEAN, đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 22/4/2016 phê duyệt Nghị định thư về khung pháp lý Cơ chế một cửa ASEAN. Việt Nam đã kết nối kỹ thuật với các nước trong ASEAN để trao đổi thông tin Chứng nhận xuất xứ điện tử trong khuôn khổ Cơ chế một cửa ASEAN.
- Về khai thuế qua mạng, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố; với 564.488 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng, đạt 99,64% trên tổng số 566.504 DN đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận và xử lý đến nay là hơn 35,4 triệu hồ sơ.
Hai là, thanh toán thuế điện tử cũng đã thu được những kết quả nhất định sau:
- Đối với thuế nội địa: Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 547.785 DN trên tổng số 566.504 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 96,70%. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 530.757 DN, chiếm tỷ lệ 93,69% trên tổng số DN đang hoạt động, với số tiền đã nộp ngân sách nhà nước từ 01/01/2016 đến cuối năm 2016 là 404.687 tỷ đồng với 2,04 triệu lượt giao dịch nộp thuế điện tử; Đã hoàn thành kết nối triển khai nộp thuế điện tử với 43 ngân hàng thương mại.
- Đối với thuế xuất, nhập khẩu: Đã thực hiện ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất, nhập khẩu bằng phương thức điện tử trên cơ sở kết nối hệ thống công nghệ thông tin giữa Hải quan với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ DN nộp thuế. Cụ thể là đã ký kết với 33 ngân hàng thương mại về thu thuế xuất, nhập khẩu qua dịch vụ này với số thu hơn 202.179 tỷ đồng, chiếm hơn 89,12% tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan.
Ba là, về áp dụng ISO trong hoạt động của Bộ Tài chính: Việc triển khai dự án áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 của Bộ Tài chính đã đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và bám sát theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 19/2014/QĐ-TTg) về việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Đến nay, tất cả các đơn vị thuộc Bộ đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia theo đúng quy định.
Đặc biệt, để CCHC thực sự là nhiệm vụ thường xuyên của toàn ngành Tài chính, được triển khai toàn diện và đồng bộ trên tất cả mọi lĩnh vực, việc giám sát, đánh giá chất lượng, kết quả công tác CCHC cần được thực hiện hàng năm, có sự lượng hóa với các tiêu chí cụ thể, theo đó Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 793/QĐ-BTC ngày 4/5/2015 phê duyệt bộ Chỉ số CCHC của Bộ Tài chính để áp dụng đánh giá kết quả CCHC đối với các đơn vị trực thuộc.
Việc phê duyệt bộ Chỉ số CCHC đã giúp công tác CCHC đi vào thực chất hơn và tạo sự lan tỏa trong thực hiện các giải pháp CCHC đối với cả hệ thống tài chính. Qua đó, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện CCHC. Hoạt động này đã góp phần giúp ngành Tài chính tiếp tục giữ vững ngôi vị “á quân” về CCHC trong 2 năm liên tiếp (2014-2015).
Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2016 do World Bank (WB) thực hiện ghi nhận sự thăng hạng của Việt Nam. Cụ thể: Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang điểm 100. Như vậy, so với năm trước, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 9 bậc nhờ sự đóng góp của lĩnh vực tài chính.
Cụ thể: Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 11 bậc từ hạng 178 lên 167) với thời gian nộp thuế giảm mạnh và chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới (lĩnh vực hải quan) tăng 15 bậc (từ vị trí 108 lên vị trí 93) nhờ giảm được thời gian thực hiện, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu và nhập khẩu.
Định hướng cải cách hành chính của Bộ Tài chính năm 2017
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2017, công tác CCHC Bộ Tài chính tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 và các nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Chính phủ.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sự thông thoáng cho người dân và DN nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được thông qua.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch và đơn giản hóa các TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC; Phấn đấu góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia đưa Việt Nam tiến tới mức trung bình của nhóm nước ASEAN – 4.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức độ cao trong việc giải quyết TTHC, tổ chức triển khai các Đề án Hiện đại hóa hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS, Đề án thực hiện Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia, Đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; hoàn thiện hệ thống TABMIS.
Thứ năm, tiếp tục triển khai Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, trên cơ sở đó đẩy mạnh phân cấp quản lý và hoàn thiện tổ chức công vụ.
Thứ sáu, nâng cao tính chủ động, chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành tài chính – ngân sách gắn với tăng cường trách nhiệm của địa phương và nâng cao kỷ cương kỷ luật tài chính.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;
2. Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020;
3. Quyết định 1134/QĐ-BTC ngày 23/5/2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ;
4. Quyết định 1239/QĐ-BTC ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết35/NQ-CP.