Cải cách hành chính - Xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt tinh thần: “Không cải cách, đổi mới thì sẽ tự thụt lùi, lạc hậu; cải cách thì phải hành động quyết liệt, không chùn tay, nản chí”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cải cách hành chính thời gian tới là nhiệm vụ nặng nề để phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ nói riêng và cả bộ máy hành chính Nhà nước nói chung, cần phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Bàn về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng nhấn mạnh, đó là bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải luôn toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp chung của đất nước. Mọi chính sách, mọi việc làm của cán bộ công chức đều phải vì lợi ích của nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối.
Các thành viên Chính phủ và toàn bộ đội ngũ công chức các cấp chính quyền đều phải giữ gìn bản thân, liêm khiết, trong sạch, không vì lợi ích cá nhân. Việc ích nước lợi dân thì phải kiên quyết làm, việc chỉ đem lại lợi ích cho riêng bản thân thì phải kiên quyết từ chối.
Đồng thời, Chính phủ phải quản lý bằng pháp luật, bản thân Chính phủ đó cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đây là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bất cứ cán bộ công chức nào đều phải nghiêm túc thực hiện pháp luật, phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Mọi việc làm phải công khai minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình.
Trong đó, cán bộ là khâu then chốt, do đó phải lựa chọn cán bộ có năng lực, đủ phẩm chất để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Và khi có sai phạm dù cấp nào cũng phải xử lý nghiêm.
Đặc biệt, bộ máy hành chính cần phải gọn nhẹ, hiệu quả hơn, phải làm rõ thẩm quyền từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, qua đó, giúp tinh giảm biên chế, giảm gánh nặng ngân sách.
Muốn làm được cải cách thì buộc phải đổi mới, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần phải đổi mới tư duy, từ Chính phủ đến cán bộ, công chức cấp cơ sở đều phải hành động quyết liệt, làm việc tận tụy, hết mình vì sự nghiệp chung, lời nói đi đôi với việc làm, không nói suông, không hứa hẹn rồi lãng quên.
Đó chính là Chính phủ nghiêm minh, có kỷ cương, kỷ luật. Mọi kế hoạch, chiến lược đề ra đề phải có lộ trình, thời gian cụ thể, cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể.
Mục tiêu hướng đến của cải cách hành chính đó chính là luôn coi trọng quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Bởi vì, bộ máy hành chính của chúng ta hoạt động bằng tiền thuế của dân, do đó phải phục vụ người dân, phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá mọi cơ chế, mọi chính sách được ban hành và thực hiện đều lấy sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp làm mục đích tối thượng.
Phải chấp nhận khó khăn về phía nhà nước, về phía cán bộ quản lý đồng thời phải tạo được thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả việc giảm thanh tra, kiểm tra, điều tra đột xuất.
Chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thực hiện kiểm tra liên ngành mỗi năm một lần.