Cải cách hệ thống chính sách thuế: Đơn giản, đồng bộ, tạo thuận lợi cho người nộp thuế
So với giai đoạn 2006 đến 2010, quy mô thu cân đối NSNN và số thu thuế, phí 5 năm 2011 - 2015 tăng khoảng 2 lần. Tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân đạt 23,4% GDP, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21,6% GDP...
Theo đánh giá của Ban Cải cách Tổng cục Thuế, qua 5 năm (2011 - 2015) triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hệ thống thuế, về cơ bản, hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, bao quát cơ bản các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế; đảm bảo cân đối thu chi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tỷ lệ huy động thu NSNN đạt 23,4% GDP
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, song ngành Thuế đã quyết liệt phấn đấu và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao.
Qua phân tích, so với giai đoạn 2006 - 2010, quy mô thu cân đối NSNN và số thu thuế, phí 5 năm 2011 - 2015 tăng khoảng 2 lần. Tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân đạt 23,4% GDP, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21,6% GDP. Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, đã tăng từ 58,9% giai đoạn 2006 - 2010 lên 67,8% giai đoạn 2011 - 2015, riêng năm 2015, tỷ trọng này đạt 74,2%, vượt 4,2% so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
Các kết quả đạt được cơ bản đảm bảo theo đúng định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu và sự sụt giảm của giá dầu.
Tỷ trọng các khoản thu từ những sắc thuế mang tính ổn định như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) ngày càng tăng, từ 52,2% lên 56,1%.
Những sửa đổi, bổ sung chính sách thuế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ vậy, trong giai đoạn này, mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, sản xuất trong nước khó khăn, lạm phát tăng cao song Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng tổng sản phẩm trong nước hợp lý, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực.
Nhiều chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tháo gỡ những bất cập đã phát sinh trong thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính nhằm đơn giản hoá về thủ tục, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, điều tiết tiêu dùng hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Chính sách thuế xuất nhập khẩu cũng được sửa đổi, bổ sung, đã tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế và góp phần hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản dạng thô, khuyến khích đầu tư công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm chế biến sâu....
Đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính thuế
Trong nửa cuối thời gian thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, ngành Thuế sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung và tái cơ cấu hệ thống chính sách thuế theo hướng đơn giản, đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; thực hiện mức động viên hợp lý từ thuế, phí và lệ phí vào NSNN, mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) trong tổng thu NSNN.
Bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu Việt Nam phải cải cách chính sách thuế. Những chỉ tiêu cụ thể về việc đẩy nhanh thủ tục hành chính thuế trong giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế đến năm 2020 là một trong bốn nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế; đến năm 2020 tối thiểu có 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp; tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp trên tổng số tờ khai thuế phải nộp tối thiểu là 95%; tỷ lệ tờ khai thuế đúng hạn đạt tối thiểu là 95%; tỷ lệ tờ khai thuế được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế là 100%.
Để đạt được chỉ tiêu này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đã quán triệt tới từng cán bộ, công chức ngành Thuế: Công tác thuế phải cần một hệ thống giải pháp tổng hợp đồng bộ, cả về thể chế, hạ tầng và con người quản lý. Đặc biệt coi trọng việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát những đối tượng chịu thuế đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận với các thủ tục về thuế./.