Cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Thực hiện chương trình cải cách tổng thể của Chính phủ, Chiến lược cải cách của ngành Thuế giai đoạn 2011-2020, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế được cải cách mạnh mẽ từ xây dựng thể chế, quy trình quy chế, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ dựa trên áp dụng quản lý rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Từ đó, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã được đổi mới toàn diện theo hướng thống nhất, hiện đại, chuyên nghiệp, đóng góp tích cực vào việc tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật thuế; góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước và ngăn ngừa, cảnh báo các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Đổi mới toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Cải cách thể chế, quy trình, quy chế
Luật Quản lý thuế đã được ban hành, hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung theo hướng chuyển từ thanh tra, kiểm tra toàn diện sang thanh tra kiểm tra theo rủi ro; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu từ phân tích, lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra đến thực hiện thanh tra, kiểm tra; tổng hợp, phân tích, đánh giá, báo cáo kết quả sau thanh tra, kiểm tra đảm bảo tính khoa học, khách quan, minh bạch, công bằng trong thanh tra, kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí tuân thủ của ngươi nộp thuế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan thuế thông qua việc phân bổ nguồn lực tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao, áp dụng các biện pháp khuyến khích tuân thủ tự nguyện đối với các đối tượng có rủi ro thấp.
Cùng với đó, các quy trình thanh tra, kiểm tra thuế cũng được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật Thanh tra, đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong thanh tra, kiểm tra thuế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, từ cấp Tổng cục tới cấp Chi cục Thuế.
Quy trình thanh tra, kiểm tra thuế được xây dựng theo hướng hiện đại, tối đa hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thanh tra, kiểm tra thuế, đặc biệt là kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế. Để giảm bớt các thủ tục hành chính đối với người nộp thuế và từng bước rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, cơ quan thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro khi lựa chọn người nộp thuế để lập kế hoạch hàng năm của cơ quan thuế các cấp. Cơ quan thuế sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm tra sổ kế toán, đối chiếu hóa đơn, bảng kê đầu ra, đầu vào…; Tăng cường công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, kiểm tra như: Áp dụng công nghệ thông tin bằng việc ghi nhật ký thanh tra, kiểm điện tử... Đồng thời, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế thông qua xây dựng quy chế giám sát đoàn thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo toàn ngành Thuế triển khai thực hiện nghiêm quy chế giám sát.
Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế
Ngành Thuế đã tăng cường triển khai, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong tất cả các khâu của công tác thanh tra kiểm tra trên cơ sở dữ liệu tập trung về người nộp thuế.
Đối với công tác lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm tại trụ sở người nộp thuế, căn cứ trên Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro và Quy trình áp dụng quản lý rủi ro trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, cơ quan thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin để phân loại người nộp thuế theo rủi ro, từ đó lựa chọn người nộp thuế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Nhờ đó, các nội dung và các bước công việc trong lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế được chuẩn hoá, tạo ra sự thống nhất, khách quan, góp phần hiện đại hoá việc thanh tra, kiểm tra thuế, nâng cao khả năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Khâu lựa chọn trường hợp, nội dung và xác định phạm vi thanh tra, kiểm tra cũng đã được nghiên cứu và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro để xác định các trường hợp có rủi ro cao về thuế cần tập trung thanh tra, kiểm tra trong năm như: Thanh tra, kiểm tra hoàn thuế đối với các trường hợp người nộp thuế có rủi ro cao về hoàn thuế giá trị gia tăng, các trường hợp hoàn thuế cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng như: Linh kiện điện tử, máy tính, gỗ dăm, nông lâm thủy sản, cao su, sắn lát, hàng tiêu dùng… hoặc thanh tra kiểm tra với các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng, doanh nghiệp có yếu tố rủi ro cao (như bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng thương hiệu, kinh doanh thương mại điện tử, chuyển giá...) theo kế hoạch đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và thực tiễn quản lý thuế trong toàn ngành Thuế; Thực hiện phân tích rủi ro chuyên sâu các tiêu chí rủi ro, thời kỳ có rủi ro để lựa chọn các nội dung, phạm vi cần thanh tra, kiểm tra.
Đến nay, ngành Thuế đã đạt tỷ lệ 90% người nộp thuế được lựa chọn thanh tra, kiểm tra qua phần mềm quản lý rủi ro của cơ quan thuế. Kết quả việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ quá trình phân tích rủi ro các doanh nghiệp một cách khoa học, linh hoạt, chính xác, thời gian lập kế hoạch thanh tra kiểm tra rút ngắn so với phương pháp lập kế hoạch truyển thống.
Ngành Thuế lựa chọn được những đối tượng nghi vấn để đưa vào diện kiểm soát, áp dụng biện pháp quản lý phù hợp, chống thất thu thuế, đồng thời không gây phiền hà, cản trở công việc kinh doanh của người nộp thuế, từng bước góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế, giúp cơ quan thuế phân bổ nguồn lực hợp lý, chỉ tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có rủi ro và người nộp thuế không tuân thủ. Qua đó, cơ quan thuế đạt được mục tiêu công khai, minh bạch trong quản lý thuế, tăng cường hỗ trợ để nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý
Thời gia qua, ngành Thuế đã có những cải cách lớn trong cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý thanh tra, kiểm tra thuế để đáp ứng nhu cầu quản lý thanh tra, kiểm tra thuế từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, ngành Thuế đã kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế từ Tổng cục đến Chi cục thuế theo hướng nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành của cơ quan thanh tra cấp trung ương (thành lập Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế thuộc Tổng cục Thuế), tinh gọn tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra thuế tại địa phương (sáp nhập phòng thanh tra, phòng kiểm tra thành Phòng Thanh tra kiểm tra) và bổ sung chức năng thanh tra cho một số Chi cục Thuế quản lý nhiều doanh nghiệp và có số thu lớn.
Ngày 14/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra (sửa đổi) là Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Luật trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hiện có đang làm công tác thanh tra, đảm bảo không tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục. Đồng thời, Luật cũng quy định mở về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trên cơ sở kế thừa Luật Thanh tra hiện hành năm 2010. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ giao Cục Thuế, Chi cục Thuế được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, đảm bảo nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thuế trong việc thực hiện quản lý thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đổi mới, nâng cao trình độ nghiệp vụ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra
Hàng năm, trên cơ sở định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính và tình hình phát triển của nền kinh tế, sự thay đổi mô hình kinh doanh của người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn Ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra theo các nhóm chuyên đề trọng tâm, trọng điểm, hướng vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, có dư địa số thu lớn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế và theo sát các biến động của nền kinh tế. Việc tổ chức, triển khai thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, Tổng cục Thuế đều xây dựng đề cương cho từng chuyên đề cụ thể, phổ biến toàn Ngành thực hiện; do đó, đảm bảo chuyên sâu, thống nhất và phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình đào tạo riêng và nghiên cứu các công cụ, giải pháp hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra đối với các ngành nghề, lĩnh vực mới, còn nhiều thách thức như công tác thanh tra giá chuyển nhượng; thanh tra, kiểm tra đối với các hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng số (thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, truyền hình số, cung cấp dịch vụ số…) và các lĩnh vực chuyên sâu đặc thù khác.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra thuế
Công nghệ thông tin được tăng cường ứng dụng trong từng bước triển khai của công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Theo đó, công nghệ thông tin được ứng dụng trong phân tích thông tin chuyên sâu xác định mức độ rủi ro phục vụ công tác lập kế hoạch và công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế đảm bảo tính minh bạch, khách quan, khoa học, hiệu lực và hiệu quả;
Đẩy mạnh giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của người nộp thuế, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát và báo cáo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian báo cáo, từ đó tăng cường công tác đánh giá, hoạch định chiến lược phát triển đúng hướng.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cơ quan thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước. Từ đó, làm cơ sở để cơ quan thuế thực hiện phân tích thông tin xác định mức độ rủi ro phục vụ công tác lập kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra người nộp thuế.
Việc lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra được thực hiện chủ yếu trên ứng dụng hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã giảm thiểu thời gian và công sức cho cán bộ thuế; giúp cơ quan thuế phân tích, chấm điểm và xếp loại rủi ro đến từng doanh nghiệp; thúc đẩy cơ quan thuế các cấp thu thập và cập nhật thông tin, dữ liệu về người nộp thuế vào hệ thống của cơ quan thuế từng bước hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế.
Trong giai đoạn 2011-2020, Tổng cục Thuế đã hỗ trợ nghiệp vụ cho các Cục Thuế ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tổng cục chỉ đạo các Cục Thuế bắt buộc phải nhập dữ liệu, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế vào phần mềm theo dõi kết quả thanh tra, kiểm tra, qua đó nắm bắt tiến độ thực hiện các bước công việc của từng cuộc thanh tra, kiểm tra từ khi có quyết định thành lập đoàn thanh tra đến khi kết thúc, theo dõi tiến độ thu nộp vào ngân sách nhà nước sau thanh tra, kiểm tra; đồng thời theo dõi được công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế của người nộp thuế tại cơ quan thuế.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp ngành Thuế giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian phân tích, đánh giá, tổng hợp báo cáo, từ đó tăng cường công tác đánh giá, hoạch định chiến lược phát triển đúng hướng. Rút ngắn thời gian triển khai thực hiện, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, tập trung cho lĩnh vực rủi ro, trọng tâm, trọng điểm; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành Thuế và thúc đẩy tuân thủ của người nộp thuế; Góp phần đưa công tác quản lý thuế đi vào nề nếp, kỷ cương, xây dựng ngành Thuế ngày càng vững mạnh toàn diện.
Tổng cục Thuế cũng tiến hành triển khai ứng dụng nhật ký thanh tra, kiểm tra điện tử để ghi nhật ký hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra giúp cơ quan thuế giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra một cách dễ dàng. Các cấp lãnh đạo quản lý theo dõi sát sao, nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật, tuân thủ quy trình thanh tra, kiểm tra thuế, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của công chức thuế.
Không những giám sát việc thực thi công vụ của công chức thuế làm công tác thanh tra, kiểm tra, việc ghi nhật ký hoạt động trên ứng dụng còn nâng cao ý thức kỷ luật của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, cũng như nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý; đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanhiểm tra. Bên cạnh đó, ứng dụng nhật ký thanh tra, kiểm tra giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra có thể ghi chép một cách chi tiết, đầy đủ và kịp thời các nội dung công việc của đoàn mọi lúc mọi nơi, do có cả phiên bản trên máy tính và phiên bản trên điện thoại di động.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã xây dựng các ứng dụng phần mềm kiểm tra tự động hồ sơ khai thuế để hỗ trợ cho công tác kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Tổng cục Thuế đã hoàn thành xây dựng phần mềm kiểm tra hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng kèm theo bộ tiêu chí đánh giá rủi ro để đưa vào áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Qua đó, đảm bảo thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng gửi đến cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, kịp thời phát hiện các vi phạm trên hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế.
Mục tiêu cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong giai đoạn 2021 - 2030
Trong giai đoạn tới, ngành Thuế đặt mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra tiếp cận với các thông lệ quốc tế tốt thông qua việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra kiểm tra thuế như là một biện pháp hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, giảm khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế. Theo đó, ngành Thuế sẽ tập trung triển khai các nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra theo hướng áp dụng quản lý rủi ro trong các khâu thanh tra, kiểm tra thuế trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ người nộp thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế.
Hai là, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế: Nâng cấp, tích hợp đồng bộ các ứng dụng hiện có, khắc phục, hạn chế lỗi đảm bảo tính ổn định trong quá trình sử dụng; cải thiện hiệu năng, tốc độ của ứng dụng; Xây dựng ứng dụng nhằm tự động hóa một số bước công việc thanh tra, kiểm tra dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ 3 (xác minh đối chiếu hóa đơn điện tử, đối chiếu số thu nộp, xác minh thông tin dữ liệu từ bên thứ 3 thông qua kết nối dữ liệu tự động); Tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Ba là, nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ thanh tra, kiểm tra thuế đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, chuyên nghiệp, liêm chính. Nghiên cứu bổ sung cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; nghiên cứu thành lập bộ phận điều tra thuế tại cơ quan thuế để nâng cao tính chủ động và thẩm quyền pháp lý của cơ quan thuế trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế...
Bốn là, tăng cường đổi mới loại hình, phương pháp và kỹ thuật thanh tra, kiểm tra thuế theo rủi ro phù hợp với đặc điểm của từng nhóm người nộp thuế về quy mô, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, giảm khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế.
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội, Luật Quản lý thuế;
Quốc hội, Luật Thanh tra;
Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020;
Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 508/QĐ-TTg, Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030.