Xây dựng bộ máy cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ

Nguyễn Quang Tiến, Hoàng Vân Anh - Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế

Mục tiêu đến năm 2030 của ngành Thuế là xây dựng bộ máy cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có đủ quyền hạn và năng lực chủ động thực thi pháp luật thuế, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Thành tựu trong cải cách tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, sự nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh và nghiêm túc chấp hành pháp luật thuế của đại bộ phận các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thuế, cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ công chức ngành Thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu đề ra.

Thành tựu nổi bật trong giai đoạn này là thực hiện thành công mục tiêu kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Thuế theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Sau 10 năm triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, ngành Thuế Việt Nam đã xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình quản lý thuế theo chức năng kết hợp với đối tượng thống nhất từ Trung ương tới địa phương, đảm bảo tăng cường năng lực thực thi, tinh gọn đầu mối đảm bảo hợp lý, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Ngành Thuế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 và Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 về việc sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã đã tạo sự thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức trong hệ thống cơ quan quản lý thuế từ Trung ương đến địa phương với kết quả tinh giản các đầu mối cấp phòng tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế.

Kết quả là đã hoàn thành giải thể 27 đầu mối cấp phòng tại Tổng cục Thuế và giảm 62 đầu mối cấp Phòng tại các Cục Thuế địa phương; tương ứng giảm 89 trưởng phòng và tương đương; tại cấp Chi cục Thuế đã giảm 2.100 đầu mối cấp Đội; sắp xếp, hợp nhất 565 Chi cục Thuế trực thuộc 63 Cục Thuế để thành lập 269 Chi cục Thuế khu vực, giảm 296 Chi cục Thuế, số Chi cục Thuế còn lại là 415 Chi cục (hiện nay là 413 Chi cục Thuế sau khi thành lập Chi cục Thuế Thủ Đức thuộc Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh). Đây là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, ngành Thuế thực hiện tổ chức các Cục Thuế vùng phù hợp với thông lệ quản lý thuế quốc tế nhằm tăng hiệu lực và hiệu quả quản lý của cơ quan thuế.

Chức năng, nhiệm vụ của một số bộ phận thuộc cơ quan thuế các cấp đã được kiện toàn, bổ sung để thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Ngành Thuế đã thành lập bộ phận quản lý thuế đối với DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân tại cơ quan thuế cấp Tổng cục và Cục Thuế các tỉnh, thành phố. Bộ phận này thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, xây dựng biện pháp quy trình nghiệp vụ quản lý thuế đối với DN nhỏ và vừa, hộ gia đình, cá nhân.

Ngành Thuế đã thành lập Bộ phận quản lý rủi ro thuộc Tổng cục Thuế với nhiệm vụ tham mưu xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, tiêu chí, quy trình, quy định về quản lý rủi ro trong quản lý thuế; kiện toàn hệ thống kê khai và kế toán thuế tại cấp Trung ương (Tổng cục Thuế), cấp tỉnh (Cục Thuế tỉnh, thành phố); cấp huyện (Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực) để thực hiện công tác kế toán, thống kê về thuế và chế độ báo cáo tài chính theo quy định.

Hệ thống pháp chế ngành Thuế cũng được kiện toàn và cơ bản hình thành từ cấp Trung ương đến cấp huyện để đại diện cho cơ quan thuế khi giải quyết khiếu nại, khởi kiện liên quan đến việc thực thi công vụ của công chức thuế. Cơ quan Tổng cục Thuế đã nâng cấp 03 Vụ thành Cục; cụ thể là: Cục Thuế DN lớn, Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Cục Kiểm tra nội bộ. Ngày 08/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1969/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng trực thuộc Tổng cục Thuế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế toàn ngành.

Song song với đó, ngành Thuế đã thực hiện điều chỉnh dần cơ cấu công chức theo chức năng quản lý và theo đối tượng quản lý đảm bảo hiệu quả, phù hợp nhiệm vụ quản lý thuế tại các cấp quản lý thuế. Cơ cấu, phân bổ lại nguồn nhân lực theo nguyên tắc ưu tiên biên chế cho những địa bàn trọng điểm, số thu lớn, số đối tượng nộp thuế nhiều; tăng cường nguồn lực cho chức năng quản lý thuế chính, đặc biệt là chức năng thanh tra, kiểm tra thuế đảm bảo yêu cầu quản lý thuế.

Đẩy mạnh thực hiện phân cấp quản lý công chức, đi kèm đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá định kỳ đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân cấp, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai công việc, thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác tổ chức cán bộ. Thực hiện luân phiên, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ.

Phương thức đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng năm được đổi mới, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công tâm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc được giao thẩm quyền đánh giá, kết luận mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức. Đồng thời, định kỳ thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của người đứng đầu, công chức cơ quan, tổ chức thuế các cấp thông qua các tiêu chí cụ thể.

Ngành Thuế đã chú trọng nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, nâng dần chỉ tiêu tuyển dụng đối với các ngạch yêu cầu tốt nghiệp Đại học trở lên, thay đổi phương thức tổ chức thi bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy; thực hiện chính sách thu hút nhân tài thông qua việc tuyển dụng đặc biệt đối với các trường hợp thủ khoa trong nước, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, thông qua đó đã lựa chọn được nhiều công chức trẻ, có trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành Thuế.

Tăng cường đào tạo và thường xuyên thay đổi phương pháp đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho công chức thuế, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng chuyên sâu theo các chức năng quản lý thuế,chú trọng bồi dưỡng nâng cao phương pháp thực thi công vụ và đạo đức công vụ, đồng thời lựa chọn công chức có đủ kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ để tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài.

Những giải pháp cải cách tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực nêu trên đã góp phần đảm bảo hoạt động quản lý thuế được thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra; tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản hoá, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước khác (như cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan tài nguyên môi trường…), tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… của DN và người dân; thúc đẩy quá trình cung ứng dịch vụ ứng dụng thuế điện tử cho người nộp thuế trong tất cả các khâu: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế…

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, công tác tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực ngành Thuế còn một số tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực cán bộ hạn chế, thiếu cơ chế khuyến khích, đào tạo và huy động nguồn lực có chất lượng cao, có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có năng lực, trình độ nghiệp vụ quản lý thuế chuyên sâu, chuyên nghiệp để tận dụng các thành tựu quản lý thuế quốc tế để quản lý các hoạt động kinh tế mới phát sinh như quản lý giá chuyển nhượng, thương mại điện tử...

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ công chức, viên chức, xây dựng cơ chế để quản lý và quy định tiêu chí cụ thể về vị trí việc làm, cơ chế tiền lương phù hợp nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức viên chức đủ về cả chất lượng, số lượng trở thành những thách thức lớn đối với cơ quan thuế hiện nay.

Mục tiêu giải pháp cải cách tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030

Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo là“xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Nghị quyết có đột phá chiến lược quan trọng liên quan đến nguồn nhân lực là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phát huy các thành tựu đã đạt được trong triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/04/2022. Chiến lược đã đề ra mục tiêu chủ đạo và xuyên suốt là xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan thuế có đủ quyền hạn và năng lực thực thi pháp luật thuế theo mô hình kết hợp quản lý thuế theo chức năng với quản lý thuế theo đối tượng, phù hợp với việc áp dụng thuế điện tử và phương pháp quản lý rủi ro trong cơ quan thuế theo hướng tự động hóa; bộ máy của hệ thống cơ quan thuế được sắp xếp lại theo hướng hiện đại, tinh gọn từ cấp Trung ương đến địa phương phù hợp với yêu cầu quản lý thuế tập trung để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế.

Chiến lược xác định xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Thuế chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới, có đủ trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định với cơ cấu hợp lý; trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp với trình độ kinh nghiệm chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó ngành Thuế đã đề ra một số giải pháp chiến lược nhằm cải cách tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực sau:

Về tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp theo mô hình quản lý thuế theo chức năng kết hợp với quản lý thuế theo đối tượng, trong đó, các đơn vị quản lý theo chức năng có tổ chức bộ phận chuyên trách quản lý theo các nhóm đối tượng.

- Triển khai mô hình quản lý được thực hiện đồng bộ với việc đổi mới phân cấp quản lý thuế giữa cơ quan thuế các cấp và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Tổng cục Thuế quản lý theo một số chức năng hợp lý (nghiên cứu xây dựng chính sách; tổng hợp thông tin phân tích đánh giá rủi ro; điều phối công tác thanh tra, kiểm tra...), trực tiếp quản lý đối với các DN lớn đa ngành nghề, lĩnh vực và các lĩnh vực đặc thù hoạt động trên địa bàn toàn quốc, khu vực kinh tế đặc biệt, DN tập đoàn ở nước ngoài cần có sự quản lý thống nhất;

Cục Thuế tập trung thực hiện chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra công tác quản lý thuế trên địa bàn, trực tiếp quản lý các DN lớn theo phân cấp và các DN vừa trên địa bàn quản lý;

Chi cục Thuế quản lý DN nhỏ và quản lý các sắc thuế điều tiết đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế. Đồng thời sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan thuế địa phương (Cục Thuế, Chi cục Thuế) theo địa bàn tỉnh, huyện kết hợp với theo khu vực, đảm bảo thực hiện các chức năng quản lý thuế chính, phù hợp với thực tiễn quản lý tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế.

- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cơ quan thuế các cấp và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, nghiên cứu tiến tới thành lập bộ phận thực hiện chức năng tiến hành một số hoạt động điều tra thuế tại cơ quan thuế để nâng cao tính chủ động và thẩm quyền pháp lý của cơ quan thuế trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế; Phân cấp quản lý thuế DN lớn phù hợp, hiệu quả giữa Tổng cục Thuế (Cục Thuế DN lớn) và Cục Thuế tỉnh, thành phố.

Chú trọng xây dựng và triển khai các biện pháp quản lý thuế mới trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ đối với DN lớn; Nâng cao quyền hạn và đảm bảo tính độc lập trong quá trình thực thi chức năng quản lý về công tác chấp hành kỷ cương, kỷ luật; công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của cơ quan thuế, công chức, viên chức thuế; thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng chống tham nhũng trên toàn hệ thống thuế.

Nâng cao năng lực,hiệu quả hoạt động của Cục Thanh tra Kiểm tra thuế tại Tổng cục Thuế và nâng cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cơ quan thuế các cấp triển khai công tác thanh tra kiểm tra thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại; Kiện toàn bộ phận quản lý kê khai, kế toán, thống kê thuế phù hợp với định hướng phát triển của ngành Thuế trên nền tảng công nghệ thông tin, tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chế độ kế toán thuế nội địa trong toàn ngành Thuế.

- Nghiên cứu thành lập bộ phận xây dựng, thu thập, xử lý thông tin tích hợp người nộp thuế tại Tổng cục Thuế để xác định thông tin người nộp thuế cần thu thập trong và ngoài ngành Thuế, thiết lập cơ chế thu thập và xử lý thông tin tự động phục vụ cho việc khai thác dữ liệu người nộp thuế trong toàn ngành Thuế; Nghiên cứu triển khai mô hình trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm quản lý thuế thu nhập cá nhân và quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả.

- Kiện toàn bộ phận quản trị chiến lược và quản lý rủi ro về thuế thuộc Tổng cục Thuế nhằm nâng cao năng lực, địa vị pháp lý và nguồn nhân lực để triển khai sâu, rộng, toàn diện, tập trung có hiệu quả công tác quản trị chiến lược, đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Thuế và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế; Tiếp tục kiện toàn bộ phận quản lý thuế đối với DN nhỏ, vừa, hộ kinh doanh và cá nhân tại cơ quan thuế các cấp theo mô hình quản lý theo chức năng kết hợp với quản lý theo đối tượng nâng cao hiệu quả quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân; Kiện toàn bộ phận quản lý thuế quốc tế hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu quản lý thuế hiện đại.

- Kiện toàn hoạt động của Trường Nghiệp vụ Thuế trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, chuyên nghiệp kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ quản lý thuế để nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực ngành Thuế. Trường xây dựng được hệ thống chương trình, giáo trình tài liệu khoa học, hiện đại, phù hợp với từng đối tượng đào tạo bồi dưỡng; có phương thức đào tạo đa dạng, hiện đại; Tiếp tục xây dựng, phát triển, quản lý và sử dụng đội ngũ giảng viên kiêm chức ngành Thuế cùng đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Nghiệp vụ Thuế đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cho công chức ngành Thuế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức thuế.

Về phát triển chất lượng nguồn nhân lực các cấp của cơ quan thuế

- Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo thông qua việc triển khai công tác tuyển dụng công chức định kỳ hàng năm nhằm kịp thời bổ sung biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đảm bảo nguồn nhân lực cho cơ quan thuế các cấp; thực hiện chính sách thu hút nhân tài: ưu tiên bố trí số biên chế nhà nước chưa sử dụng để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có ngành nghề đào tạo phù hợp vào làm việc tại cơ quan Thuế; thực hiện chính sách tuyển dụng đặc thù cho các đơn vị cần tăng cường nguồn nhân lực yêu cầu đặc biệt về trình độ chuyên môn, năng lực; sử dụng các ứng dụng được phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và kiểm tra đánh giá chất lượng.

- Rà soát việc hoạch định cơ cấu nguồn nhân lực nhằm xác định các thay đổi về nhân sự cần thiết (xác định số lượng nhân sự và xây dựng các tiêu chuẩn, kỹ năng cần thiết cho từng chức năng quản lý thuế) nhằm hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ mới và triển khai các dịch vụ điện tử cũng như việc quản lý rủi ro theo hướng tự động hóa đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ quản lý thuế và thông lệ quốc tế.

Theo đó, cơ cấu lại nguồn nhân lực theo địa bàn quản lý theo hướng tập trung nguồn nhân lực cho những địa bàn trọng điểm có số thu lớn, tập trung nhiều người nộp thuế là các DN; Cơ cấu lại nguồn nhân lực theo chức năng quản lý đảm bảo giảm dần tỷ trọng cán bộ, công chức làm ở các bộ phận gián tiếp để tăng cường nguồn nhân lực cho những chức năng quản lý thuế chính, đặc biệt là chức năng thanh tra thuế, kiểm tra thuế, điều tra thuế đảm bảo yêu cầu quản lý thuế theo chức năng, phù hợp với thông lệ quốc tế;

Điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực cơ quan thuế các cấp theo hướng: tăng cường tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại cấp Tổng cục, Cục Thuế; bố trí, sắp xếp lại nguồn nhân lực cấp Chi cục Thuế phù hợp với việc đổi mới công tác quản lý thuế theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Nghiên cứu, xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực theo chất lượng, chiều sâu; trong từng chức năng cần cơ cấu nguồn lực theo cấp độ (cấp cao, cấp trung, cấp chuyên viên) để đảm bảo xây dựng được một đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn sâu trong tất cả các lĩnh vực quản lý thuế...

- Triển khai thực hiện điều động, luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức thuế đảm bảo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, được tiếp cận, rèn luyện, bồi dưỡng và thông thạo nhiều lĩnh vực công việc ở nhiều vị trí khác nhau, có năng lực thực tiễn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; kiểm soát công việc lẫn nhau, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu người nộp thuế; khắc phục tình trạng công chức do giữ cương vị lãnh đạo hoặc quản lý một công việc ở một vị trí quá lâu dẫn đến thoả mãn, bảo thủ, trì trệ, thiếu sáng tạo và đổi mới để nâng cao chất lượng công việc.

- Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo từng chức năng quản lý thuế nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho công chức thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại: Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng bộ phận, từng cấp cơ quan thuế; Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho công chức thuế ở các lĩnh vực cải cách chính như quản lý rủi ro, thanh tra kiểm tra, quản lý thuế quốc tế, về các kỹ năng mới, kỹ năng quản lý chuyên môn hóa nhằm quản lý có hiệu quả các ngành nghề, lĩnh vực mới phát sinh, các vấn đề thuốc quốc tế, kinh tế số.

Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong đó quy định rõ cách thức đào tạo cho từng loại cán bộ, công chức: đào tạo kiến thức cơ bản về thuế cho cán bộ, công chức mới vào Ngành; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để công chức thực hiện công việc quản lý thuế được phân công; bồi dưỡng  chuyên sâu phù hợp yêu cầu bồi dưỡng theo vị trí công việc, ngành, lĩnh vực quản lý cho công chức làm việc tại 4 chức năng quản lý thuế chính; đào tạo, bồi dưỡng mỗi khi có thay đổi về chính sách, quy trình quản lý.

Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho công chức thuế làm việc tại một số vị trí công tác đặc thù như: công tác pháp chế, công tác giám định, công tác kiểm tra nội bộ, công tác điều tra thuế, công tác quản lý rủi ro; Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chung, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức kỹ năng chuyên ngành, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp ứng xử, văn hoá công sở và đạo đức công chức cho cán bộ, công chức thuế; tổ chức các khoá bồi dưỡng kỹ năng quản lý đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý... nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo theo quy định.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trực tuyến bảo đảm phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc của đội ngũ công chức, viên chức. Đẩy mạnh bồi dưỡng ngoại ngữ chuyên ngành cho công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ công vụ, làm việc trong môi trường quốc tế.

- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo như đào tạo tập trung, đào tạo trong công việc, đào tạo trực tuyến (online)... để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuế.

- Xây dựng cơ chế đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên gia thuế cao cấp với trình độ kinh nghiệm chuyên môn cao, là chuyên gia đầu ngành trong quản lý thuế.

- Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo chuyên sâu tại các nước tiên tiến, mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam tổ chức các khoá bồi dưỡng chuyên sâu các chức năng quản lý thuế để đào tạo cho đội ngũ chuyên gia cao cấp của ngành, giảng viên kiêm chức và cán bộ trẻ có năng lực.

- Ban hành Bộ quy tắc về đạo đức công vụ của công chức ngành Thuế làcơ sở để thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức thuế chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới.  

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

2. Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính đến 2030;

3. Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;

4. Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;

5. Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.