Cải cách thủ tục bảo hiểm: Doanh nghiệp cần gì?
Khảo sát, lấy ý kiến từ hơn 200 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khu vực phía Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, những đánh giá, hiệu quả thực tế của quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang được cơ quan chức năng tích cực đẩy mạnh.
Năm 2016, BHXH Việt Nam thực hiện cắt giảm được 1 thủ tục hành chính, từ 33 thủ tục xuống còn 32 thủ tục; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện; giao dịch điện tử được đẩy mạnh với 90% doanh nghiệp tham gia.
Về tác động của cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHYT, đa số các doanh nghiệp FDI tham gia trả lời khảo sát của VCCI đánh giá thuận lợi hơn; tỷ lệ tương ứng lần lượt là 64%, 55%, 51,3%. 61,3% doanh nghiệp trả lời được tham vấn ý kiến và góp ý vào các văn bản của ngành BHXH.
Về kênh tiếp cận thông tin, 65,5% doanh nghiệp tiếp cận thông tin về luật, chính sách, cải cách thủ tục hành chính qua báo chí; 59,4% tiếp cận qua hội thảo, khóa đào tạo. 85,4% doanh nghiệp đánh giá các thông tin về luật, chính sách, cải cách thủ tục hành chính được niêm yết công khai. 54% đánh giá hồ sơ, thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ; 36% đánh giá phức tạp.
Về trình tự, thủ tục giải quyết của ngành BHXH, 71% đánh giá không vướng mắc, 80% đánh giá thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan BHXH hiện nay ở mức vừa phải, 13% đánh giá quá dài và phức tạp, 7% đánh giá nhanh. Quá trình khảo sát các doanh nghiệp FDI khu vực phía Nam cũng ghi nhận một số khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT.
Theo đó, vẫn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản hướng dẫn, chính sách hoặc văn bản ban hành muộn; doanh nghiệp chưa cập nhật và thông tin kịp thời những thay đổi về thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu gây khó hiểu, khó tiếp cận và mất thời gian sửa chữa.
Các doanh nghiệp FDI nêu một số đề xuất kiến nghị. Cụ thể, thường xuyên cập nhật, thông tin, chính sách để doanh nghiệp có sự chuẩn bị. Phổ biến thông tin về thay đổi biểu mẫu, hồ sơ trước khi áp dụng để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh.
Cách thức thông tin, tuyên truyền cần đa dạng (email, trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH, in tờ rơi hàng năm, gửi văn bản hướng dẫn…). Tăng cường đào tạo, tập huấn về thủ tục hành chính thực hiện bảo hiểm xã hội(77% doanh nghiệp).
Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cơ quan BHXH để được hỗ trợ (56,2% tương ứng 188 doanh nghiệp). Đẩy nhanh thời gian giải quyết; bố trí thêm cán bộ tại bộ phận 1 cửa, tăng cường đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng mềm…
Đề xuất BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, kiểm tra những trình tự, thủ tục, hồ sơ hành chính để đơn giản hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN qua giao dịch điện tử; tiếp tục hỗ trợ, đào tạo tập huấn, có dịch vụ giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp.