Cải cách thủ tục hành chính: Sớm khởi động - Nhanh về đích !

LH

(Tài chính) Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường… về vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng đã thẳng thắn nhận định về sự chậm trễ và phiền hà của nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguyên nhân khiến các thủ tục hành chính chậm chạp, phiền nhiễu

Cải cách hành chính là mối quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý và hoạch định chính sách, nhưng đến nay vẫn chưa có sự đổi mới và đột phá đáng kể, người dân và doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn nhiều về các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, hải quan,… Đối với ngành xây dựng, câu chuyện phải mất thời gian 2,3 năm thậm chí cả chục năm để khởi công một dự án là có thật; Còn việc người dân đi làm thủ tục về đất đai, nhà cửa và các thủ tục liên quan đến công chứng… phải mất 5-6 lần đi lại, có khi phải mất cả tháng mới xong là chuyện vẫn đang xảy ra. Về quy trình và thủ tục kê khai hải quan, kê khai nộp thuế còn bị phàn nàn là phức tạp, tốn thời gian… Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, đây là điều phi lý, không thể chấp nhận được. Trước vấn đề này, Thủ tướng đã nghiêm khắc yêu cầu các ngành phải khẩn trương cắt giảm các thủ tục phiền hà, không cần thiết.

Chúng ta đã tiến hành cải cách từ cách đây hai chục năm, nhất là từ năm 2001, khi bắt đầu triển khai Chương trình Cải cách tổng thể Hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Tuy nhiên, nhìn chung, cải cách hành chính của chúng ta còn chậm. Lý do thì có hàng ngàn, cả do khách quan và chủ quan… có thể nói là ba bề bốn bên cùng tác động khiến tiến trình cải cách ì ạch. Con đường cải cách khá chông gai, khó khăn, do vấp phải rất nhiều rào cản, như: (1)Một số cơ quan cũng như cán bộ thực thi năng lực còn yếu, quen với nếp làm cũ, không muốn thay đổi do ngại đổi mới, ngại khó, ngại phức tạp; (2)Tinh thần thái độ của cán bộ thực thi có nơi có lúc còn quan liêu, nhũng nhiễu, lo ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, đơn vị (quyền lợi do các thủ tục cũ đem lại) nên không chủ động thực hiện cải cách; Ý thức trách nhiệm, phục tùng hành chính, thứ bậc còn thấp, còn đùn đẩy trách nhiệm, núp bóng tập thể… (3)Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ, còn lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa, yêu cầu xây dựng một chính phủ điện tử (4)Thêm nữa, do sự chỉ đạo của cấp trên còn chưa sát sao, cụ thể… (6)Và một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là người dân, doanh nghiệp chưa có ý thức chấp hành chính sách chế độ, chưa tìm hiểu kỹ thông tin, chưa nắm vững quy trình thực hiện; cán bộ chức năng chưa hướng dẫn đến nơi đến chốn… khiến quá trình thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Ngô Thành Can cũng nêu rất nhiều quan điểm đồng nhất với các đánh giá trên. Ông còn đưa ra một ví dụ sinh động: một chuyên gia nước ngoài đã nhận định rằng, cải cách hành chính ở đâu cũng rất khó, nếu mô phòng ví von, thì nó như sự chuyển động của con lợn béo, tức là: cấp trên (cái đầu) đã khởi động (ngúc ngoắc), người dân và doanh nghiệp (cái đuôi) đã rất mong muốn (ngoe nguẩy rối rít), nhưng bộ máy khâu trung gian (cái thân lợn), do nặng nề nên chuyển động khó khăn, chậm chạp. Chỉ khi có sự chỉ đạo thật quyết liệt thì cái “thân lợn” đó mới thực sự chuyển động.
Nhiều ý kiến người dân cho rằng: Luật liên quan đến các bộ, ngành thì đều do các bộ ngành xây dựng, trình Quốc hội phê chuẩn; Các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật cũng do các bộ, ngành ban hành, nên nhiều khi sẽ theo hướng có lợi cho các bộ, ngành đó… do vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần thiết phải có một cơ quan độc lập trong Quốc hội thực hiện nhiệm vụ xây dựng các văn bản luật… Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ Ngô Thành Can - Phó trưởng khoa Khoa tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính khẳng định: Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan lập pháp là đại biểu của nhân dân, các quyết sách các cơ quan này đưa ra là nhằm đảm bảo quyền lợi chung của dân chúng. Chính tại các cơ quan thực thi các chức năng do Chính phủ giao thì mới có thể nắm vững, hiểu rõ từng lĩnh vực để xây dựng các văn bản luật. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật có khi còn chưa đáp ứng yêu cầu; còn sơ hở, chồng chéo; còn phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu thực tế phát sinh; việc thực hiện có nơi, có lúc còn chưa đúng. Do vậy, cần thiết phải có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ và có các chế tài khen thưởng, xử phạt nghiêm minh nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính, trong đó có mảng xây dựng và thực thi pháp luật. Ông nhấn mạnh lần nữa: tính liêm chính và trách nhiệm là khâu cốt yếu trong thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu là quan trọng, chứ không phải nơi soạn thảo văn bản mới là nơi đảm bảo tính pháp lý và tính khả thi.

Chỉ đạo của Chính phủ…

Có thể nói, gần đây, Chính phủ đã ra rất nhiều văn bản, chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, như: Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ (ngày 18/03/2014) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Ngày 6/6/2014, Chỉnh phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanhVà mới đây, Ngày 5/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan

Các chỉ thị, nghị quyết trên là thể hiện quyêt tâm cao độ của người đứng đầu Chính phủ trong việc xây dựng một nền thi hành công vụ hiệu quả. Trong đó, Nghị quyết số 19/NQ-CP là một gói cải cách sâu rộng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam  thông qua cắt giảm chí phí, thời gian và rủi ro kinh doanh ở doanh nghiệp. Lãnh đạo Chính phủ đặt vấn đề cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá để tiến hành các cải cách sâu rộng hơn trong toàn bộ nền kinh tế.

Ngành Tài chính đẩy mạnh tiến trình cải cách

Thực ra, không phải đến khi Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng mới tiến hành xem xét cải tiến các thủ tục hành chính để giảm thiểu phiền hà cho người dân. Trong Chương trình Cải cách tổng thể Hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, ngành Tài chính đã triển khai rất nhiều chương trình, hành động để thực hiện. Đặc biệt, năm 2006, ngành đã xây dựng Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (gọi tắt là Tabmis). Đây là cấu phần lớn nhất của dự án cải cách quản lý tài chính công nhằm hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách Nhà nước. Đến nay, hiệu quả của dự án này đã thấy rõ, chúng ta đã thống nhất được cơ chế quản lý, quy trình nghiệp vụ quản lý ngân sách trên cả nước, giúp công tác thống kê thu - chi ngân sách nhanh gọn, chính xác. Công tác Hải quan đã triển khai rất nhiều hình thức như cải tiến lề lối làm việc, động viên cán bộ phát huy sáng kiến để đẩy nhanh thời gian kê khai hải quan. Ngày 1/4/2014, Hải quan chính thức áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS - là hệ thống Thông quan hàng hóa tự động và Cơ chế một cửa quốc gia, với mục tiêu xây dựng nền hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hoá hải quan tại Việt Nam, hệ thống này đảm bảo việc thông quan hàng hóa nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Lĩnh vực Thuế cũng triển khai việc sửa đổi, bổ sung các sắc thuế, thực hiện các hình thức như kê khai thuế tự động, in hóa đơn điện tử,... Có thể nói, hai lĩnh vực Thuế - Hải quan (hai cơ quan quan trọng hàng đầu trong thi hành chính sách liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp) luôn đặt vấn để cải cách, cải tiến lề lối làm việc để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm sách nhiễn người dân và doanh nghiệp nhằm trục lợi. Nếu như năm 2008, thời gian nộp thuế của người dân và các doanh nghiệp là 1.050 giờ, đến năm 2010 còn  941 giờ và năm 2012 còn 872 giờ (trong đó kê khai bảo hiểm xã hội mất 335 giờ, còn thuế là 537 giờ). Tổng cục Thuế đang tiến hành sửa đổi các văn bản pháp quy để đơn giản hóa các chính sách, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đến cuối năm nay Việt Nam có 95% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử. Mới đây, ngày 19-8, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chỉ thị cơ quan thuế các cấp, công chức thuế phải hướng dẫn cụ thể để người nộp thuế hiểu và thực hiện đúng quy định. Công chức thuế nếu bỏ vị trí hoặc làm việc riêng trong thời gian trực, không tiếp và giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế, hướng dẫn sai… phải bị xử lý nghiêm. Ngay trong tháng 9/2014 này,  6 thông tư của Bộ Tài chính liên quan đến công tác thuế sẽ được sửa đổi, bổ sung, cắt giảm nhiều biểu mẫu tờ khai thuế, bỏ nhiều chỉ tiêu mà trong sổ kế toán của DN không có, sửa đổi nhiều quy định về hóa đơn, chứng từ… vốn tốn rất nhiều thời gian, công sức của DN trong thời gian qua, nhằm đơn giản hóa việc kê khai, tính thuế, DN sẽ không phải mất nhiều thời gian cho việc kê khai, nộp thuế nữa.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Tài chính đã xây dựng hàng loạt các văn bản pháp luật mới (Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật dự trữ, Luật Đầu tư,…) và các văn bản dưới luật để quy định, điều chỉnh và hướng dẫn các hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế này, đồng thời, bổ sung, sửa đổi các văn bản luật cũ để các chính sách chế độ ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định an sinh xã hội. Có thể nói, ngành Tài chính, Bộ Tài chính đang đi đầu trong các hoạt động cải cách thủ tục hành chính. Điều này thấy rõ trong quyết tâm của người đứng đầu Bộ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngành Tài chính cương quyết tiến hành mạnh mẽ các cải cách hành chính. Cụ thể, tiến tới cắt giảm thời gian nộp thuế từ 537 giờ xuống còn 300 giờ năm 2014 và 171 giờ trong năm 2015 và giảm số giờ kê khai nộp bảo hiểm (xuống còn 108 giờ trong năm 2014 và vào cuối năm 2015, thủ tục BHXH phải giảm xuống còn 49,5 giờ/năm). Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính đều chủ động xây dựng Kế hoạch hành động, Quy chế làm việc, Chuẩn mực đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên, Quy chế thực hành tiết kiệm chống lãng phí và đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW  của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng … Đây là cơ sở cho việc đẩy mạnh từ gốc tiến trình cải cách thủ tục hành chính trong toàn Ngành.

Hiệu quả của cải cách hành chính hoàn toàn nằm trong tay chúng ta, cải cách có thành công hay không là do chính chúng ta chịu trách nhiệm. Nền hành chính mạnh phải hoạt động hiệu quả, phải tạo được niềm tin của công chúng vào nền công vụ đó. Muốn vậy, bộ máy hành chính phải tinh gọn, phải phân cấp phân quyền tốt, hoạt động nhịp nhàng, tuân thủ thứ bậc điều hành, có tránh nhiệm, liêm chính và kỷ luật… Công cuộc tiến hành cải cách phải đồng bộ, sâu, rộng, trong mọi cấp mọi ngành và cả trong giáo dục đào tạo. Niềm tin của người dân vào nền hành chính nhà nước chính là niềm tin của nhân dân vào chính quyền, lúc này cải cách để hoàn thiện, để phát triển là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa.

Nhìn ra thế giới: Ở các nước tiên tiến, phát triển, để tiến hành các thủ tục hành chính cần thiết theo nhu cầu của cá nhân hay công ty, doanh nghiệp như chứng thực giấy tờ, văn bản; xin việc; mua bán nhà đất; kê khai bảo hiểm, kê khai nộp thuế; thành lập, giải thể doanh nghiệp… người dân và doanh nghiệp chỉ việc thực hiện bằng hình thức chuyển phát hồ sơ giấy tờ qua bưu điện, hoặc thực hiện các vấn đề liên quan qua cổng internet trực tuyến của các tổ chức và đơn vị chức năng. Tuyệt đối không bắt buộc phải mang giấy tờ đến nộp tay tại cơ quan hành chính của nhà nước hay các đơn vị, doanh nghiệp. Các loại giấy tờ cần thiết và thời hạn nộp, nhận trả lời… đều được quy định rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng của các ngành, các cấp, trên các mạng xã hội. Người dân và các tổ chức phải chấp hành nghiêm túc các quy định. Các chế tài cũng được quy định rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu  để người thi hành công vụ cũng như người dân nắm vững, từ đó hiểu biết trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình. Mọi vấn đề khúc mắc đều có cơ quan pháp luật đứng ra giải quyết. Tại các nước này, chính phủ điện tử hoạt động hiệu quả theo mô hình tự động hóa cao độ, hạn chế đến mức thấp nhất chi phí thời gian, công sức và tiền của của người dân.