Cải cách toàn diện môi trường kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19 năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu, Nghị quyết 19 năm nay có sự kế thừa và nâng cao các tiêu chí cải thiện môi trường kinh doanh, cạnh tranh quốc gia.
Phạm vi cải cách mở rộng
Phóng viên: Nghị quyết 19 năm 2017 là lần thứ 4 Chính phủ ra nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh. Phải chăng thực tế đang đặt ra đòi hỏi, thậm chí ngày càng cao về vấn đề này?
Ông Phan Đức Hiếu: Nghị quyết 19 đã trở thành thương hiệu của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy có rất nhiều nội dung, nghị quyết chưa được thực hiện, cộng với những đòi hỏi từ thực tiễn đối với cộng đồng doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều so với phạm vi cải cách Nghị quyết 19 của những năm trước đây. Chính vì vậy, lần này Chính phủ ban hành Nghị quyết kèm theo những nội dung rất mới, thể hiện quyết tâm mạnh hơn rất nhiều, phạm vi cải cách rộng hơn.
Theo ông, Nghị quyết 19 năm 2017 có những điểm gì mới đáng chú ý?
Thứ nhất là phạm vi cải cách mở rộng nhiều. Chính phủ yêu cầu cải thiện, cải cách không chỉ giới hạn vào chỉ số về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới mà đã mở rộng ra cả chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia theo đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới.
Thứ hai là nội dung về chính phủ điện tử. Nghị quyết đề ra mục tiêu chính phủ điện tử sẽ là một công cụ hữu hiệu để giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân khi thực hiện thủ tục hành chính; cũng như thay đổi phương thức quản lý cũ chuyển sang phương thức quản lý mới hiệu quả hơn.
Thứ ba là trong tổ chức thực hiện. Lần này chính phủ nhấn mạnh đến kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Theo tôi, đây là điểm quan trọng đối với Nghị quyết 19/2017.
Thưa ông, cách tiếp cận Nghị quyết 19 năm nay có gì khác so với các nghị quyết 3 năm trước?
Rút kinh nghiệm của Nghị quyết 19 lần trước, Nghị quyết năm nay chi tiết, gần như “cầm tay chỉ việc” cho các bộ, ngành. Thay đổi thứ 2 là ý thức được vai trò của địa phương, bởi một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết là cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong bộ chỉ số của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, mà nhiều thủ tục hành chính được thực hiện ở cấp địa phương.
Chỉ số ngắn hạn và dài hạn
Nghị quyết 19 năm nay đề cập 10 chỉ tiêu về Chính phủ điện tử, 85 chỉ tiêu về đổi mới và sáng tạo, 114 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hướng tới nền kinh tế phát triển ở mức cao hơn. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy nhận thức như thế nào, thưa ông?
Nghị quyết trước chỉ giới hạn trong chỉ số về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, không tính đến những chỉ số khác. Năm nay rõ ràng với 10 chỉ số về môi trường kinh doanh thì chỉ là 1 phần rất nhỏ trong nỗ lực, đòi hỏi yêu cầu cải cách rất lớn.
Chính phủ cho rằng, nghị quyết này phải cải cách toàn diện môi trường kinh doanh, nhưng không chỉ dừng ở ngắn hạn mà phải dài hạn, để nền kinh tế phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và gia tăng sự cạnh tranh, cũng như thúc đẩy khởi nghiệp. Rõ ràng nghị quyết lần này đưa vào những chỉ số dài hạn, đặc biệt là những chỉ số liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc gia, những chỉ số về đổi mới, sáng tạo.
Mục tiêu đặt ra và kỳ vọng rất lớn, nhưng ông đánh giá như thế nào về điều kiện thực tiễn hiện nay để thực thi được Nghị quyết 19 năm 2017?
Theo tôi, những nhiệm vụ được liệt kê trong Nghị quyết 19 đều là nhiệm vụ cấp bách, phải có nỗ lực rất lớn trong một thời gian rất ngắn để đạt được mục tiêu đề ra.
Chúng ta có nhiều dư địa để làm được. Những chỉ số rất thấp thì có nhiều cơ hội để cải thiện, những chỉ số rất cao như chỉ số xin giấy phép xây dựng có thể vươn lên trở thành nhóm hàng đầu, nhờ vậy nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cái mà chúng tôi băn khoăn nhất là các bộ, ngành, địa phương có thực sự quyết tâm làm hay không.
Xin cảm ơn ông!