Cái giá Australia phải trả khi chặn đầu tư Trung Quốc
Chính quyền bang New South Wales của Australia hôm qua thông báo đã bán 50,4% cổ phần của công ty lưới điện Ausgrid cho hai quỹ đầu tư trong nước, bao gồm cả khoản nợ, với giá khoảng 20,8 tỷ đô la Australia (tương đương 16 tỷ USD).
Cách đây hai tháng, Chính phủ Australia đã ngăn cản New South Wales chấp nhận lời đề nghị mua cổ phần của Ausgrid từ Công ty Lưới điện Trung Quốc với giá khoảng 25,1 tỷ đô la Australia, do lo ngại về vấn đề an ninh.
Sự khác biệt này cho thấy cái giá mà quốc gia này hạn chế sự tham gia của đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của các công ty quốc doanh Trung Quốc vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhạy cảm. Thương vụ của Ausgrid cũng làm dấy lên những nghi hoặc về sự cởi mở của Australia đối với đầu tư nước ngoài.
Giáo sư Hans Hendrischke tại Trường Đại học Kinh doanh Sydney, người chuyên nghiên cứu về đầu tư Trung Quốc tại Australia, cho rằng sự việc đã không diễn ra tốt cho lắm. “Điều này có thể khiến Chính phủ thiệt hại một số tiền đáng kể.”
AustralianSuper Pty – quỹ đầu tư hưu trí lớn nhất ở Australia, và IFM Investors Pty – công ty quản lý quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Australia, đã đồng ý trả giá cao hơn 1,4 lần so với giá trị tài sản được quy định của Ausgrid. Còn Công ty Lưới điện Trung Quốc trả giá cao hơn 1,7 lần. Giá trị tài sản của Ausgrid được ước tính là 14,75 tỷ đô la Australia trong năm tài chính 2016.
Bộ Tài chính Australia tháng Tám vừa qua đã quyết định chặn Công ty Lưới điện Trung Quốc và Công ty Cheung Kong Infrastructure Holdings có trụ sở ở Hồng Kông mua cổ phần của Ausgrid. Cheung Kong Infrastructure Holdings thời điểm đó đã ra thông báo bày tỏ sự khó hiểu về quy định trên, trong khi Trung Quốc cho biết rằng quyết định này sẽ làm giảm “nghiêm trọng” sự quan tâm của các công ty Trung Quốc đầu tư vào Australia, và gây tổn hại tới quan hệ thương mại song phương.
Tháng trước thì bang New South Wales đã chấp nhận lời đề nghị của AustralianSuper và IFM. “Chúng tôi nghĩ đó là mức giá cạnh tranh,” ông Ian Silk, Tổng giám đốc của AustralianSuper, nói.
“Chúng tôi cảm thấy thoải mái với mức giá này. Chúng tôi cho rằng nó sẽ cho thấy đây là khoản đầu tư dài hạn tốt cho các thành viên của quỹ chúng tôi,” ông nói tiếp.
Hiện tại Australia cũng đang tìm cách cân bằng giữa nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phản đối bán đất nông nghiệp, bất động sản và các cơ sở hạ tầng chiến lược cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Và bất chấp đầu tư nước ngoài là quan trọng với nền kinh tế, Chính phủ Australian đang khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài khó khăn hơn khi đầu tư vào đây. Năm ngoái, Chính phủ đã tăng cường sự giám sát việc bán đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư tới từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.