Cần bệ phóng cho khu vực kinh tế tư nhân?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Năm 2014 phải được xác định là năm tạo bước đột phá mới trong xây dựng, cải cách thể chế. Đồng thời, phải đưa ra những giải pháp hỗ trợ làm động lực để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mang lại hiệu quả cao nhất trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Khu vực tư nhân đang chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình phục hồi và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nguồn: internet
Khu vực tư nhân đang chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình phục hồi và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nguồn: internet

Thời gian không còn nhiều và chủ chương cải cách không thể trì hoãn hơn được nữa. Nếu không đổi mới tư duy và đưa ra những quan điểm phát triển thì nền kinh tế chỉ giữ ở mức tăng trưởng thấp, việc hình thành nền kinh tế thị trường đầy đủ chỉ dừng lại ở trên giấy tờ.

Bình đẳng các thành phần kinh tế

Đổi mới thể chế nền kinh tế đã được xác định là một trong ba khâu đột phá. Trước hết, phải tập trung vào thể chế kinh tế vì ở đây còn dư địa, còn “đất” để đẩy cải cách đi tới.

Mục tiêu của đổi mới thể chế là làm cho thị trường vận hành tốt hơn, đầy đủ hơn. Hiện Đề án nghiên cứu Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai gồm có 5 chuyên đề. Đó là, tập trung nghiên cứu luận điểm đổi mới tư duy, quan điểm phát triển kinh tế và xác định rõ những ngành, những lĩnh vực trọng tâm cần phát triển.

Cải cách toàn diện thể chế kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Đổi mới việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong điều hành kinh tế; Đổi mới thể chế phát triển hệ thống tài chính và cuối cùng là cải cách thể chế dịch vụ công, để xác định rõ vai trò Nhà nước và tư nhân trong việc cải cách khu vực doanh nghiệp (DN) mà trọng tâm là khu vực DNNN, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận với nguồn vốn thị trường.

Nền kinh tế thị trường chính là thước đo của thể chế. Chúng ta không nên tư duy trên bàn giấy nữa mà đột phá tổng thể. Có nghĩa là đột phá về thể chế phải là những cải cách cụ thể như mở rộng hoạt động và nâng cấp mức độ phát triển của thị trường để khu vực DN hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Theo đó, Chính phủ  bằng mọi cách phải cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên của thị trường giao dịch, cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, hạn chế và dần triệt tiêu cơ chế “xin cho, ban phát”.

Trong nền kinh tế thị trường, điều tối thiểu Nhà nước phải làm được là duy trì cạnh tranh bình đẳng, sao cho khi các bên giao dịch với nhau họ tin tưởng rằng đó là những giao dịch bình đẳng về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn...

Nếu ai vi phạm, Nhà nước sẽ xử lý một cách công bằng, bảo đảm được lợi ích hợp pháp quyền lợi của mỗi bên. Tôi nói ví dụ, muốn giám sát thị trường chúng ta phải thiết lập được các cơ quan hoạt động tương đối độc lập. Cụ thể như Bộ Công Thương hiện nay phải tách ra, cơ quan làm chính sách riêng, cơ quan giám sát thị trường riêng.

Theo đó các cơ quan giám sát điện lực, giám sát viễn thông... nên được tổ chức thành một hoặc một vài  Ủy ban giám sát thị trường để “đảm bảo cạnh tranh bình đẳng” như thông điệp của Thủ tướng đã đề cập. Khi đó các bộ chỉ tập trung làm chính sách. Một việc không kém phần cấp thiết, là thu hẹp khu vực DNNN, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN…

Bà đỡ cho khu vực kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân góp phần vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, tăng quy mô của kim ngạch xuất khẩu. Với đặc điểm và ưu thế riêng của mình, sự phát triển kinh tế tư nhân trực tiếp khơi dậy nhiều ngành, nhiều nghề truyền thống trong các ngành, ở các địa phương tạo ra nhiều chủng loại hàng hoá đa dạng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Các ngành nghề truyền thống là thủ công mỹ nghệ đồ gỗ, đồ gốm sứ, mây tre đan, tranh sơn mài… đã tạo ra được tiếng vang trên trường quốc tế.

Hiện cả nước có gần 400 nghìn DN thu hút hơn triệu lao động. Loại hình kinh tế tập thể - hợp tác xã có gần 14 nghìn, và 4,6 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông lâm nghiệp, thủy sản thu hút 35% lượng lao động trong các đơn vị kinh tế hành chính sự nghiệp... Phải nói rằng, thời gian qua khi nền kinh tế khủng hoảng khu vực này tuy đóng góp vào GDP khiêm tốn, nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn là tạo doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội, góp tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Chúng ta hãy nhìn kinh tế tư nhân dưới lăng kính của kinh tế học, sự năng động, tính hiệu quả cao và những lợi ích thiết thực khác của kinh tế tư nhân trong việc xây dựng và phát triển đã quá rõ ràng. Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không nhìn nhận nó dưới góc độ xã hội học để khám phá những giá trị tuy không đo đếm được bằng vật chất cụ thể nhưng lại là những giá trị rất thực và rất cần thiết cho quá trình phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Nhìn vào khu vực DN tư nhân của Việt Nam hiện nay quy mô quá nhỏ, đó là chưa kể hàng triệu hộ kinh doanh cá thể đang làm cho khu vực phi chính thức ngày càng bị phình ra. Nhưng tất cả không đủ lớn để kinh doanh hiệu quả, các DN khu vực tư nhân phải đối mặt với rất nhiều vấn đề để có thể đóng góp cho tăng trưởng chất lượng, nhất là phát triển bền vững.

Những giải pháp được Chính phủ thực hiện trong thời gian qua (Nghị quyết 02/2013) và việc Quốc hội hạ thuế suất thuế Thu nhập DN xuống còn 20% với DN nhỏ và vừa và 10% với DN tham gia đầu tư, bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội đã góp phần tháo gỡ một số khó khăn cho các DN, nhưng những dấu hiệu phục hồi chưa rõ rệt. Tổng số DN giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn cao. Chi phí lãi vay cao, môi trường kinh doanh không thuận lợi và hàng tồn kho cao thường được nêu là các lý do chính dẫn đến nhiều DN phải đóng cửa hoặc giải thể, và số này chủ yếu là ở khu vực tư nhân.

Nhìn từ góc độ “năng lực cạnh tranh”, khác với DNNN, quá trình tái cấu trúc DN tư nhân là quá trình tự thân. Và quá trình này chỉ có thể thành công nếu như Nhà nước với vai trò là “bà đỡ” cũng cần đưa ra những định hướng ưu tiên phát triển,chính sách hỗ trợ, cho khu vực này để họ tìm được cơ hội kinh doanh tốt và có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển vào những ngành, lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và bền vững.

Hiện nay, ở nhiều nước đã hình thành nên hệ thống các quỹ đầu tư để góp vốn vào các DN tư nhân theo từng giai đoạn phát triển với mục tiêu đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, mức độ tham gia của đầu tư công và của các quỹ tư nhân có thể khác nhau, nhưng rõ ràng, sự thành công ở DN này sẽ bù đắp rủi ro ở các DN khác.

Ở Việt Nam, hoạt động của một số quỹ đầu tư đã bắt đầu phát triển mạnh, đặc biệt là từ khi thị trường chứng khoán ra đời. Tuy nhiên, số lượng các quỹ đầu tư này chưa nhiều so với nhu cầu phát triển, trong lúc chúng ta đang rất cần nuôi dưỡng khu vực này đang được hình thành dựa vào công nghệ, nên trong giai đoạn đầu, vẫn cần một sự đồng hành giữa các quỹ đầu tư của nhà nước và quỹ đầu tư tư nhân cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Như vậy, bên cạnh việc tái cấu trúc các DNNN, cũng cần có chính sách tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Bởi khu vực tư nhân đang chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình phục hồi và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Khu vực này sẽ là bệ phóng trong thời gian tới nếu được nâng đỡ bởi chính sách của Nhà nước.