Cần có giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu
Trong quý I/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang doanh số cho vay đạt trên 250 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 2.999 tỉ đồng, tăng trên 36 tỷ đồng, với 91,2 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.
Trên cơ sở các chỉ tiêu Nghị quyết quý I/2022, Ban đại diện đã bám sát chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, phương hướng hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết quả, chi nhánh tham mưu thực hiện hoàn thành 6/12 chỉ tiêu, trong đó thực hiện tăng trưởng nguồn vốn tạm giao, vốn nhận ủy thác tại địa phương, số dư nguồn vốn huy động tại địa phương, thực hiện hoàn thành tối thiểu 31% công tác tập huấn, thực hiện công tác đối chiếu phân loại nợ và tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn. Còn 6 chỉ tiêu không hoàn thành Nghị quyết đề ra.
Trong quý I, doanh số cho vay đạt trên 250 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 2.999 tỷ đồng, tăng trên 36 tỷ đồng, với 91,2 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.
Những khó khăn, tồn tại trong quý I là do nguồn vốn ủy thác tại địa phương được Trung ương giao, còn phải thực hiện 8,5 tỷ đồng. Việc ảnh hưởng dịch COVID-19 làm cho người dân gặp nhiều rủi ro trong sản xuất dẫn đến công tác thu hồi nợ đến hạn, thu tiền gửi thông qua tổ dẫn đến quá hạn tăng, số dư tiền gửi của tổ giảm, kéo theo chất lượng hoạt động tổ, chất lượng tín dụng chính sách giảm so đầu năm.
Bám sát chương trình, kế hoạch, chi nhánh đề ra phương hướng nhiệm vụ quý II/2022. Phấn đấu thực hiện hoàn thành 50% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao đợt 1/2022; ưu tiên tổ chức triển khai giải ngân nhanh chóng, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ khi nhận được báo chỉ tiêu nguồn vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn ủy thác duy trì mức từ 0,28% trở xuống...
Tại buổi họp, các hội đoàn thể, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến để khắc phục những hạn chế, tiếp tục góp phần cho hộ vay làm ăn hiệu quả hơn. Theo đó, cũng nên tập trung thay đổi thói quen cho hộ vay làm ăn theo hướng cá thể chuyển sang hình thức tập thể để được hưởng những chính sách tốt hơn. Đồng thời, nâng tăng số tiền gửi tiết kiệm hàng tháng của hội viên lên nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm trong dân, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm vay vốn và hiệu quả sử dụng vốn.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thu Ánh đánh giá cao sự nỗ lực lớn của Ban đại diện các cấp trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết trong quý I. Chi nhánh tỉnh Hậu Giang kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch phân bổ nguồn vốn, điều chỉnh nguồn cho phù hợp.
Tuy nhiên, có 6 chỉ tiêu không hoàn thành, đây là đợt có số chỉ tiêu chưa hoàn thành nhiều nhất. Đặc biệt, chỉ tiêu chưa đạt là huy động tiền gửi tiết kiệm, nợ quá hạn tăng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Cho nên đề nghị rà soát lại nguyên nhân để có giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Theo đó, thống nhất với nhiệm vụ của quý II Ban đại diện đề ra, cần tập trung cho những chỉ tiêu chưa đạt, tiếp tục duy trì, giữ vững các chỉ tiêu đạt được. Cần có quyết tâm, giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu, quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đề nghị chi nhánh tỉnh tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang bổ sung thành viên Ban đại diện chi nhánh tỉnh. Đặc biệt nhiệm vụ trọng tâm là tập trung quản lý tốt nguồn vốn, tăng cường phối hợp tuyên truyền các chương trình cho vay đến người dân nắm.