Cần có giải pháp nhằm giảm tác động bất lợi đối với người dân khi hạn chế xe máy


Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa góp ý về dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (TPHCM).

TP. Hồ Chí Minh đề xuất cấm xe máy vào trung tâm theo 3 giai đoạn.
TP. Hồ Chí Minh đề xuất cấm xe máy vào trung tâm theo 3 giai đoạn.

Trước đó, Đề án được Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) trình lên UBND TPHCM, việc hạn chế xe máy tại trung tâm thành phố được thực hiện theo 3 giai đoạn và tiến tới cấm hẳn vào năm 2030.

Góp ý nội dung dự thảo Đề án, Bộ GTVT lưu ý về việc cần có các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm tác động bất lợi đối với người dân khi hạn chế xe máy vào trung tâm TPHCM.

Bộ GTVT cho rằng, việc phân vùng hạn chế hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng, tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh tại một số khu vực trung tâm trong giai đoạn 2025-2030 là cần thiết.

Tuy nhiên, đây là giải pháp ảnh hưởng đến đời sống người dân, cần được nghiên cứu kỹ các điều kiện cần thiết đảm bảo việc đi lại của người dân khi hạn chế hoạt động xe máy.

Cần nghiên cứu kỹ tác động bất lợi khi hạn chế xe máy tại TPHCM.
Bộ GTVT khuyến nghị cần nghiên cứu kỹ tác động bất lợi khi hạn chế xe máy tại TPHCM.

Bộ GTVT khuyến nghị, TPHCM cần xác định cụ thể khu vực hạn chế, có phương án tổ chức giao thông hợp lý, đảm bảo kết nối giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Đồng thời, cần có lộ trình ngưng hoạt động xe máy theo tuyến, theo khu vực, theo thời gian trong ngày và các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm tác động bất lợi đối với người dân.

Bộ GTVT cũng đề nghị bổ sung thông tin về hiện trạng và các kịch bản dự báo phát triển phương tiện, đặt trong mối tương quan với kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, cần có đánh giá tính khả thi của từng nhóm giải pháp được nêu trong đề án.

Theo Sở GTVT TPHCM, đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng toàn thành phố đảm nhận 15% - 20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025, tỷ lệ này đạt 20,5% - 26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3% - 36,8%.

Nếu đề án được thông qua, thành phố sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh tại một số quận 1, 3, 5, 10... vào giai đoạn 2025-2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại với cự ly tiếp cận trung bình của khách đạt dưới 500 m.

3 giai đoạn của Đề án

Giai đoạn 1, từ 2018 tới năm 2020, hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình), đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Hạn chế xe máy từ 7-19h trên đường Pasteur (đoạn từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng).

Giai đoạn 2, từ 2021-2025, hạn chế xe máy đi vào quận 1 từ các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ.

Giai đoạn cuối, từ 2026 - 2030, hạn chế tiến tới cấm hẳn xe máy đi vào các quận 1, 3, 5, 10, từ các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.Giai đoạn 2, từ 2021-2025, hạn chế xe máy đi vào quận 1 từ các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ.

Cùng với việc hạn chế xe máy, Sở GTVT TPHCM  đề xuất kiểm soát việc đỗ ôtô trong khu vực trung tâm thành phố; xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực; hạn chế cấp phép giữ xe ở lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm; tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô đến 9 chỗ; thu phí ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm đối với ôtô...