Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay:

Cần có một hệ thống bảo lãnh tín dụng chuyên biệt hơn nữa

Thủy Nguyễn

Dù rằng chiếm số đông trong nền kinh tế, song sức khoẻ của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vốn đã không được tốt. Khi gặp khó khăn, hoạt động của những doanh nghiệp này dễ dàng rơi vào trạng thái “đóng băng”, thậm chí phá sản nếu không tiếp cận được nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Đặng Thái Bình - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần có một hệ thống bảo lãnh tín dụng chuyên biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp “yếu thế”.

Phóng viên: Tác động tiêu cực của COVID-19 lên kinh tế là rất rõ ràng. Các doanh nghiệp trong nước dường như đang phải gồng mình chống đỡ và con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không phải ít, thưa ông?

TS. Đặng Thái Bình: Phải nhìn nhận vào thực tế, ngay cả trong điều kiện bình thường, thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp Việt Nam vốn đã yếu, chỉ tăng nhanh về số lượng nhưng có xu hướng nhỏ hóa về quy mô.

Trong những năm vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới tăng rất nhanh, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa được thành lập mới lại không tăng nhiều. Tỷ trọng số doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hiện chiếm tới trên 98% số lượng doanh nghiệp trong nước. Số doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%.

TS. Đặng Thái Bình - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
TS. Đặng Thái Bình - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, tôi đã thực hiện một so sánh nhanh về tương quan giữa doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước) với doanh nghiệp FDI trong vòng 3 năm (2017-2019).

Kết quả cho thấy, khối doanh nghiệp FDI tỷ lệ tăng trưởng kết quả kinh doanh rất cao, gia tăng tỷ lệ lao động việc làm cho người lao động cũng lớn, thường gấp 4 - 5 lần so với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Còn khối doanh nghiệp Nhà nước thậm chí ghi nhận giá trị tăng trưởng âm. Tăng trưởng hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp tư nhân có tỷ lệ thấp nhất trong 3 năm (1,8%; 4,5%; 3,4%), tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước (2,2%; 8,9%; 10,1%) và cao nhất là doanh nghiệp FDI (7%; 15,4%; 14%). 

Như vậy, khi chưa có tác động của dịch bệnh, sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều vấn đề về tăng trưởng và phát triển. Khi khó khăn kéo dài, chắc chắn những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ này sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất.

Phóng viên: Đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất cần được ưu tiên đưa vào “chăm sóc tích cực”. Vậy, chúng ta cần có những giải pháp gì để “hồi sức” cho những doanh nghiệp này, thưa ông?

TS. Đặng Thái Bình: Theo tôi, cần phân loại các giải pháp cấp bách ngắn hạn để “cấp cứu” doanh nghiệp, sau đó là các giải pháp trong dài hạn để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững đối với doanh nghiệp, cũng như nâng cao “sức đề kháng” giúp doanh nghiệp chống chọi được những cú va đập kinh tế khác về lâu dài.

Trong ngắn hạn, việc cần làm bây giờ là trả lại không gian kinh tế cho doanh nghiệp. Nếu còn tiếp tục thực hiện giãn cách, phong toả thì dù doanh nghiệp còn sức cũng không sản xuất, kinh doanh nổi.

Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là vấn đề về dòng tiền. Doanh nghiệp nào khá khẩm cũng chỉ đủ duy trì thêm 2 - 3 tháng nữa, còn lại đa số là đã cạn kiệt dòng tiền. Nhà nước đã liên tục “bơm” tiền vào nền kinh tế qua các chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, cũng như các gói hỗ trợ an sinh... Việc thực thi hoá các chính sách hỗ trợ và tăng tốc độ triển khai chính là giải pháp tối ưu vào thời điểm hiện tại. Ngoài ra, các giải pháp khác như khai thông nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng là điều mà doanh nghiệp đang kỳ vọng...

Về trung và dài hạn, cần có một hệ thống chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với quy mô và thời gian đủ lớn để đảm bảo hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Ví dụ như một chương trình bảo lãnh tín dụng hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp, start-up, doanh nghiệp công nghệ… Đặc biệt, chúng ta nên tập trung nguồn lực để phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tạo ra “bước đột phá lớn về công nghệ lõi”.

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có chính sách về nhà ở xã hội, chính sách thuê mua, nhà giá rẻ để công nhân có thể đảm bảo đời sống và sinh hoạt gắn bó làm việc với doanh lâu dài tránh tình trạng lao động ở các vùng kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm di cư về quê như thời gian vừa qua.

Và chúng ta nên coi COVID-19 là cơ hội để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.

Phóng viên: Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp kêu khó tiếp cận gói vay hỗ trợ, trong khi phía ngân hàng vẫn không thể hạ điều kiện cho vay vì lo ngại nợ xấu từ bài học năm 2009. Ông có đề xuất gì không?

TS. Đặng Thái Bình: Tôi nghĩ nên có chính sách riêng cho từng lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, ví dụ như gói hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, gói hỗ trợ doanh nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, doanh nghiệp công nghệ... Và để hỗ trợ tối đa được các doanh nghiệp cũng như giảm thiểu rủi ro tín dụng cho phía ngân hàng, cần có một hệ thống bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. Nhiều quốc gia khác đã thiết lập và phát triển thành công hệ thống bảo lãnh tín dụng dưới dạng các quỹ bảo lãnh tín dụng, công ty bảo lãnh tín dụng, các chương trình bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary...

Thực tế, Việt Nam cũng có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quỹ được thành lập theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, nhằm ưu tiên thực hiện bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo quy định. Tôi cho rằng, lúc này là thời điểm thể hiện và phát huy tối đa vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương, là cầu nối giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, có một số hạn chế ở đây, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương là do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định, trong khi những cán bộ này không nắm sâu kiến thức chuyên môn về tín dụng. Hơn nữa, quy mô của Quỹ Bảo lãnh tín dụng của tỉnh chưa đủ lớn để hỗ trợ lượng lớn doanh nghiệp gặp khó trong bối cảnh hiện nay.

Vì vậy, cần thiết lập một hệ thống bảo lãnh tín dụng gồm các quỹ bảo lãnh tín dụng, các công ty bảo lãnh tín dụng độc lập, kêu gọi sự tham gia từ ngân hàng thương mại. Nhà nước thông qua quỹ, công ty bảo lãnh tín dụng đó để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nên có những gói hỗ trợ đặc biệt cụ thể trong khoảng thời gian đặc biệt, không thể cứng nhắc một khung điều kiện để làm khó thêm doanh nghiệp đã đang rất khó khăn.

Phóng viên: Ông nói rằng, COVID-19 là cơ hội để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam?

TS. Đặng Thái Bình: Trong kinh doanh, cơ hội luôn đi kém rủi ro và ngược lại. Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhưng cũng nên coi đây là cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường để thích nghi, tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Thay vì áp dụng phương thức chào hàng trực tiếp, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến dựa trên kinh tế số, ngồi một chỗ nhưng có thể bán và chào hàng khắp nhiều châu lục...

Thời điểm này cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn. Đồng thời, doanh nghiệp có thể thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần, tăng năng suất lao động... 

Các quốc gia châu Âu, Mỹ... đang phục hồi rất nhanh sau khủng hoảng và bùng nổ nhu cầu mua sắm. Trong khi đó, một số chính sách hội nhập quốc tế như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc và bứt phá.

Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước cùng sự chủ động đổi mới, thích ứng để cứu mình của các doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ có nhiều cơ hội phục hồi nhanh và mạnh mẽ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!