Cần coi kinh tế tư nhân là một động lực cơ bản
Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam năm 2016 có đà tăng trưởng và khu vực FDI đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng tại Việt Nam cần phải được thực hiện quyết liệt hơn. Cần coi kinh tế tư nhân là động lực cơ bản nhằm tạo ra những bứt phá trong nền kinh tế, cần có những doanh nghiệp tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh toàn cầu…
2015 - nền kinh tế có nhiều điểm sáng
Theo PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Bộ môn Kinh tế vi mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh với nhiều điểm sáng. Điểm sáng đầu tiên của Việt Nam là mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt cao nhất trong 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đặt ra (6,2%). Chỉ riêng GDP quý 4.2015 đã ngang bằng với GDP bình quân của giai đoạn 2006 - 2010 là bằng 7,01%. Chính nhờ GDP 2015 tăng vượt trội là thúc đẩy sự tăng trưởng bình quân năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,91%. Với tăng trưởng GDP 2015 đạt 6.68%, đã đưa quy mô nền kinh tế của Việt Nam lên 204 tỷ USD, và đẩy GDP bình quân đầu người đạt 2109 USD/người (theo giá hiện hành) và 1140 USD/người (theo giá so sánh 2005).
Điểm sáng thứ 2 của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là giữ được mức lạm phát tại Việt Nam ở mức thấp, chỉ dừng với con số là 0,63% và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra trước đó. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong 14 năm qua, thấp hơn mức 0,8% của năm 2001 và cao hơn mức âm 0,6% của năm 2000, mức tăng 0,1% của năm 1999.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, trong hai năm 2014- 2015, sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều có sự góp mặt rõ nét từ ngành công nghiệp và xây dựng. Cụ thể, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 0.40 điểm phần trăm tăng trưởng (so với 0.61 điểm phần trăm năm 2014), dịch vụ đóng góp 2.43 điểm phần trăm (so với 2.62 điểm phần trăm năm 2014), trong khi đó ngành công nghiệp và xây dựng có mức đóng góp tới 3.20 điểm phần trăm vào tăng trưởng (so với 2.75 điểm phần trăm năm 2014).
Ngành công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp đã có mức tăng nhanh liên tục từ năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 9.8%, với đóng góp quan trọng của sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 10.6% (so với 8.74% năm 2014). Những tác động tới chỉ số sản xuất công nghiệp tăng là do sự tăng của tiêu dùng (tiêu thụ) các mặt hàng công nghiệp tăng nhanh, cụ thể chỉ số tiêu thụ hàng công nghiệp chế tạo, chế biến 11 tháng đầu năm đã tăng 12,6%, và kết hợp với chi phí đầu tư vào ngành công nghiệp đang có chiều hướng giảm như giá cả vật liệu, giá xăng…
Doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh
Mặc dù, vẫn còn một số thách thức nhưng với sự tăng trưởng 6,68% trong năm 2015 và có mức lạm phát dưới 1% thì đó cũng là những tín hiệu vui đối với nền kinh tế nước ta. Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, mức tăng trưởng GDP của năm 2016 sẽ tương đương hoặc cao hơn 0,1 - 0,2 điểm phần trăm so với năm 2015. Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn tăng trưởng GDP. Mục tiêu lạm phát đạt mức dưới 5%. Với mức dự đoán GDP cao hơn năm 2015 và lạm phát dưới 5% thì đây cũng được coi là điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 và bước tiền đề sang năm 2017.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong 2016 tiếp tục ở mức 5%, tương đương 2015. Nguồn thu ngân sách trong năm 2016 được đánh giá sẽ tiếp tục thu hẹp từ nguồn thu từ thuế tiếp tục giảm do chính sách cắt giảm thuế theo các FTA sắp có hiệu lực và cam kết gia nhập WTO, vì thế nguồn thu ngân sách giảm do giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và điều chỉnh danh mục chịu thuế thu nhập cá nhân. Đặc biệt, sẽ bị giảm mạnh nguồn thu từ dầu thô tiếp tục giảm trong năm 2016 do sự suy giảm của giá dầu thế giới. Điều này cũng ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của nhà nước trong năm 2016 cũng bị giảm đáng kể.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong 2016 được đánh giá là khả quan, và đang được dần cải thiện so với những năm trước, và tiếp tục tập trung vào lĩnh vực đầu tư công và hoạt động đấu thầu. Một loạt dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công, Thông tư quy định về mẫu giám sát và đánh giá đầu tư, Thông tư hướng dẫn về đấu thầu hàng hóa qua mạng, Thông tư quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu,… đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện. Khi hoàn thành các dự thảo, thông tư nêu trên sẽ giúp các doanh nghiệp có sự giúp đỡ từ nhà nước trong việc đầu tư một cách dễ dàng hơn...
Năm 2016, Việt Nam đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế quyết liệt. Hàng loạt các FTA quan trọng được ký kết hoặc kết thúc đàm phán và tiến tới ký kết; TPP kết thúc đàm phán vào ngày 5.10.2015, hiện đang trong quá trình ký kết chính thức tại các quốc gia (dự kiến trong tháng 2.2016); AEC chính thức được thành lập từ ngày 31.12.2015. Việc tham gia các hiệp định sẽ giúp người dân Việt Nam tiếp cận nhiều danh mục hàng hóa hơn khi 65% mặt hàng với khoảng 8.000 - 9.000 danh mục hàng hóa được cắt giảm thuế và 20% mặt hàng không nằm trong danh mục giảm thuế lần đầu tiên, được kỳ vọng sẽ giảm thuế suất về 0% trong lộ trình 10 năm sau 2017. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa để có thể cạnh tranh tốt với các sản phẩm ngoại nhập, đó cũng là thách thức và cơ hội đặt ra đối với doanh nghiệp.
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng gia tăng nhờ các quốc gia phát triển. Dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ dịch chuyển từ các nước ở khu vực nền kinh tế mới nổi và có thể Việt Nam là một lựa chọn đầu tư mới sáng giá. Từ đó, kinh tế Việt Nam năm 2016 có đà tăng trưởng và khu vực FDI đóng vai trò quan trọng. Vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng xu thế chung hiện nay trong quá trình cơ cấu lại chuỗi giá trị của các Tập đoàn đa quốc gia, trong đó có việc chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, tranh thủ nhanh chóng nắm bắt cơ hội nhận chuyển giao công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh khi hội nhập. -PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Bộ môn Kinh tế vi mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân.