Cần “cú hích” từ số hoá để nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp tại Việt Nam

Linh Nguyễn

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy năng suất lao động ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng cần một cú hích từ số hoá, trong đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và thông tin.

Việt Nam phải tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển.
Việt Nam phải tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến có sự không đồng đều ngay trong mỗi quốc gia, giữa các doanh nghiệp (DN) với nhau.

Cụ thể, theo IMF, gần 1/2 số DN vừa và nhỏ và khoảng 1/3 số DN lớn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của châu Á cho biết khó khăn về nguồn vốn là rào cản chính trong áp dụng công nghệ.

Mức độ số hoá thấp và những khó khăn trong tiếp cận, áp dụng công nghệ mới đã khiến các DN này phải vật lộn để làm việc từ xa hay bán hàng trực tuyến trong thời gian đại dịch.

IMF nhận thấy một con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất của châu Á – con đường chạy qua lãnh địa mà châu lục này vốn vẫn giữ vị trí tiên phong, đó chính là số hoá.

Đại diện IMF cho biết, tầng lớp dân số trẻ đang gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số. Số liệu cho thấy, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng 40%–50%, một tốc độ tăng vượt trội so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, tốc độ lan toả công nghệ chậm chạp giữa những DN tiên phong với DN đi sau cũng làm sâu thêm khoảng cách công nghệ. Các hạn chế như sự khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ.

Khoảng cách số cũng ngăn cản người lao động thụ hưởng đầy đủ lợi ích của việc tham gia nền kinh tế số và phát huy tối đa tiềm năng của mình. IMF dẫn chứng, Indonesia là một trong những quốc gia có tỉ lệ thâm nhập Internet thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với chỉ 1/4 tổng dân số sử dụng Internet. Còn ở Việt Nam và Bangladesh, mặc dù chi phí truy cập Internet chỉ ở vừa phải, tốc độ kết nối Internet lại thường chậm.

Từ thực tiễn này, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các DN, các ngành và người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ hiện diện ở hầu hết lĩnh vực, cần phải có lực lượng lao động thành thạo công nghệ, để làm được điều đó thì cần phải đào tạo.

IMF khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên các cải cách gồm: Tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ; nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, cần khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các DN vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ.

Đồng thời, Việt Nam phải tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ), tạo thuận lợi cho thương mại số.

Các chuyên gia cũng cho rằng, những hạn chế như sự khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý, bao gồm cả việc thiếu vắng những quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ… đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ.

Để thúc đẩy năng suất lao động ở châu Á, rõ ràng cần một cú hích từ số hoá, trong đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và thông tin.