Căn cứ nào để kiểm tra hóa đơn đầu vào?
Giải đáp những vướng mắc về việc kiểm tra hóa đơn đầu vào của Công ty TNHH Sinh Nam Metal (Việt Nam), ngày 05/10/2017, Cục Thuế tình Bình Dương đã có hướng dẫn cụ thể để đơn vị thực hiện.
Theo đó, ngày 18/09/2017 Cục Thuế Bình Dương nhận được Công văn số SN/ACC/2017/1809/01 của Công ty TNHH Sinh Nam Metal (Việt Nam) hỏi về việc kiểm tra hóa đơn đầu vào. Qua nội dung công văn trình bày, Cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại điểm 1, Điều 8 Thông tư 180/2010/TT-BTC ngày 10/11/2010 của Bộ Tài chính có quy định thời gian nộp hồ sơ điện tử: Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết).
Tại khoản 1, Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính có quy định về phát hành hóa đơn của tổ chức kinh doanh: Tổ chức kinh doanh trước khi sử dụng hóa đơn cho việc bán hàng hóa, dịch vụ, trừ hóa đơn được mua, cấp tại cơ quan thuế, phải lập và gửi Thông báo phát hành hóa đơn (mẫu số 3.5 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này- Mẫu Thông báo phát hành hóa đơn (mẫu TB01/AC) loại dành cho tổ chức,doanh nghiệp thay thế cho mẫuThông báo phát hành hóa đơn (mẫu TB01/AC) ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.), hóa đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Tại khoản 3, Điều 1 Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/04/2017 của Bộ Tài chính có quy định về phát hành hóa đơn của tổ chức kinh doanh: Thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất hai (02) ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn. Thông báo phát hành hóa đơn gồm cả hóa đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn, Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức kinh doanh thanh lý hợp đồng in khi đã lập tờ Thông báo phát hành hóa đơn đối với hợp đồng đặt in hóa đơn không quy định thời hạn thanh lý hợp đồng (đối với hóa đơn đặt in) và không bị xử phạt.
Trường hợp tổ chức kinh doanh khi gửi thông báo phát hành từ lần thứ 2 trở đi, nếu không có sự thay đổi về nội dung và hình thức hóa đơn phát hành thì không cần phải gửi kèm hóa đơn mẫu.
Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng khai thuế giá trị gia tăng riêng thì từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng tổ chức thực hiện khai thuế giá trị gia tăng cho đơn vị trực thuộc, chi nhánh thì đơn vị trực thuộc, chi nhánh không phải Thông báo phát hành hóa đơn.
Tổng cục Thuế có trách nhiệm căn cứ nội dung phát hành hóa đơn của tổ chức để xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về hóa đơn trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tổ chức, cá nhân tra cứu được nội dung cần thiết về hóa đơn đã thông báo phát hành của tổ chức.
Trường hợp khi nhận được Thông báo phát hành do tổ chức gửi đến, cơ quan Thuế phát hiện thông báo phát hành không đảm bảo đủ nội dung theo đúng quy định thì trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho tổ chức biết. Tổ chức có trách nhiệm điều chỉnh để thông báo phát hành mới.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 25 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính có quy định về sử dụng hóa đơn của người mua hàng: Người mua được sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định pháp luật để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật.
Tại khoản 10, Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính có quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào: Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế. Bên mua không cần phải đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế tài khoản tiền vay tại các tổ chức tín dụng dùng để thanh toán cho nhà cung cấp) mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế).”
Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính có quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng...
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên và nội dung vướng mắc cần giải đáp, Cục thuế Bình Dương có ý kiến như sau: Trường hợp Công ty nhận hóa đơn đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và để được đưa vào chi phí hợp lý, hợp lệ và khấu trừ thuế theo quy định thì hóa đơn phải là hóa đơn hợp pháp theo quy định của pháp luật và trên hóa đơn các chỉ tiêu về thông tin người bán và người mua phải ghi đầy đủ, chính xác, nội dung phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Hóa đơn hợp pháp là hóa đơn đã được Thông báo phát hành hóa đơn đúng theo quy định tại thông tư số 39/2014/TT-BTC.
Trường hợp Công ty nhận hóa đơn đầu vào của khách hàng và để đảm bảo tính hợp pháp của hóa đơn, Công ty có thể tra cứu trên hệ thống tra cứu hóa đơn trên mạng (http:/tracuuhoadon.gdt.gov.vn) theo tổng số liên hóa đơn khách hàng đã thông báo phát hành hóa đơn. Nếu kết quả tra cứu không có thông tin tra cứu thì đề nghị Khách hàng (đơn vị bán) liên hệ với Cơ quan thuế quản lý để Thông báo phát hành hóa đơn lại.