Xác định tiêu thức và mã số thuế ghi trên hóa đơn
Giải đáp vướng mắc về chính sách thuế của Công ty cổ phần chứng khoán MB trong việc thực hiện ghi thông tin trên hóa đơn và xác định mã số thuế, ngày 21/9/2017, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có Công văn số 63247/CT-TTHT hướng dẫn.
Trước đó, Cục thuế TP. Hà Nội nhận được Công văn số 239/2017/MBS/KTC-CV ngày 26/7/2017 và Hồ sơ bổ sung số 240/2017/MBS/KT-CV ngày 25/8/2017 của Công ty cổ phần chứng khoán MB cần giải đáp vướng mắc về chính sách thuế. Căn cứ theo nội dung cần giải đáp của Công ty và các quy định pháp luật liên quan, Cục thuế TP. Hà Nội cho biết:
Tại Điểm d Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hoá đơn:
Trường hợp thủ trưởng đơn vị không ký vào tiêu thức người bán hàng thì phải có giấy ủy quyền của thủ trưởng đơn vị cho người trực tiếp bán ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn và đóng dấu của tổ chức vào phía trên bên trái của tờ hóa đơn.
Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định về giao dịch với cơ quan thuế:
Người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế trực tiếp ký hoặc giao cho cấp phó của mình ký thay trên các văn bản, hồ sơ giao dịch với cơ quan thuế thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách. Việc giao ký thay phải được quy định bằng văn bản và lưu tại doanh nghiệp.
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn: Mã số thuế cấp cho hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân là đại diện hộ kinh doanh. Khi đại diện hộ kinh doanh chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh được cấp mã số thuế theo mã số thuế của đại diện hộ kinh doanh mới.
Trường hợp hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, mã số thuế của đại diện hộ kinh doanh được sử dụng là mã số thuế của cá nhân đó.
Về sử dụng mã số thuế, cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân, khi phát sinh hoạt động kinh doanh, nếu cá nhân là đại diện hộ kinh doanh thì sử dụng mã số thuế của mình để kê khai, nộp thuế cho hoạt động kinh doanh và ngược lại.
Bên cạnh đó, tại Điểm 2.2 Mục III Thông tư liên tịch số 07/2002/TTLT-BCA- BTCCBCP ngày 06/5/2002 của Bộ Công an quy định, con dấu chỉ được đóng lên các văn bản, giấy tờ sau khi các văn bản, giây tờ đó đã có chữ ký của cấp có thẩm quyền gồm: cấp trưởng, cấp phó hoặc câp dưới trực tiếp được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó; không được đóng dấu vào văn bản, giấy tờ không có nội dung, đóng dấu trước khi ký.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Thủ trưởng đơn vị ủy quyền cho cấp dưới như Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc tài chính ký thừa ủy quyền tại tiêu thức “Thủ trưởng đơn vị” trên hóa đơn thì khi bán hàng Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc tài chính ký thừa ủy quyền tại tiêu thức “Thủ trưởng đơn vị”, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Công ty theo ủy quyền.
Trường hợp Công ty nhận được hóa đơn bán hàng của hộ kinh doanh với cùng mã số thuế nhưng thông tin người nộp thuế trên trang Tổng cục Thuế không trùng khớp giữa tên hộ kinh doanh và tên người đại diện hộ kinh doanh, các thông tin khác hoàn toàn đúng như vậy được xác định là hóa đơn họp lệ do mã số thuế cấp cho hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân là đại diện hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính nêu trên./.