Căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2 "bốc hơi" khỏi thị trường
Hiện nay, thị trường bất động sản gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 mà chủ yếu là phân khúc trung, cao cấp giá từ 25-70 triệu đồng/m2. Đặc biệt, giá căn hộ tiếp tục xu hướng tăng giá tại Hà Nội, TP.HCM.
Báo cáo thị trường nhà ở và bất động sản (BĐS) của Bộ Xây dựng cho thấy, đối với nhà ở thương mại, năm 2023, cả nước có 67 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn; có 71 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 29.612 căn và có 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu so với năm 2022, các số liệu về dự án cấp phép mới, dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai và dự án hoàn thành năm 2023 đều thấp hơn tương đối (năm 2022, 126 dự án cấp phép mới; 252 dự đủ điều kiện mở bán và 91 dự án hoàn thành).
Bên cạnh đó, thị trường BĐS hiện nay gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp giá từ 25-70 triệu đồng/m2. Giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm.
Dù thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng nửa cuối năm 2023 đã có sự cải thiện, thể hiện qua tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) bằng khoảng 113 % (tăng 13%) so với nửa đầu năm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm nhưng nhìn tổng thể 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức dù Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ.
"Các doanh nghiệp BĐS cần chủ động thực hiện một số giải pháp, đa dạng hóa nguồn vốn; huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải; tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản", Thứ trưởng nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, năm vừa qua là năm khó khăn bậc nhất của thị trường BĐS. Dẫn chứng về hoạt động kinh doanh BĐS ở TP. Hồ Chí Minh, ông Châu nêu, nửa đầu năm 2023 tăng trưởng âm (-11,58%), 9 tháng tăng trưởng âm (-8,71%) và cả năm cũng tăng trưởng âm (-6,38%) so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, vị Chủ tịch HoREA nhận định, thị trường BĐS đang trong tiến trình phục hồi. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, tiếp thêm động lực cho thị trường BĐS.
Doanh nghiệp BĐS vẫn khó khăn
Theo Bộ Xây dựng, hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS vẫn đang có nhiều khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp gặp vướng mắc về pháp lý dự án như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên....
Tiếp theo là cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho dự án BĐS, như: Công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án…
Đồng thời, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai).
Để tháo gỡ khó khăn, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh BĐS đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến pháp luật về đất đai, về thủ tục giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất… tại nhiều dự án, nhiều địa phương.
Mặt bằng lãi suất tín dụng dù đã được điều chỉnh giảm nhiều lần trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo tập trung cho vay, giải ngân đối với các dự án BĐS đủ điều kiện; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng chung cư cũ.
Nhưng, theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh BĐS, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc rà soát tháo gỡ và thực hiện thủ tục để triển khai các dự án của các địa phương cũng còn chậm.