Cần kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng/2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018.
Thị trường tín dụng trong "cơn lốc" phát hành TPDN
Việc các doanh nghiệp (DN) ồ ạt phát hành TPDN để hút vốn từ đầu năm đến nay cho thấy sự phát triển của thị trường TPDN ở chừng mực nào đó là tín hiệu tích cực cho thị trường vốn Việt Nam.
Thông qua phát hành TPDN, các DN đã giải quyết được bài toán vốn của mình, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại, hỗ trợ ngân hàng huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2...
Trái phiếu là kênh thu hút vốn mới cho doanh nghiệp, góp phần tạo nguồn lực mới để thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn thiện thị trường vốn còn non trẻ của Việt Nam, song các doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng để cân đối các lợi ích và chi phí sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.
Trong đó, khoảng 2/3 TPDN được phát hành bởi các ngân hàng và các DN bất động sản. Quy mô thị trường TPDN tới hết tháng 6-2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020. Điều này cho thấy thị trường TPDN dần khẳng định vai trò trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho DN.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lãi suất TPDN của một số đợt phát hành gần đây khá cao, lên đến 12% - 14%/năm. Thậm chí, có DN bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất tới 14,5%/năm. Trong khi đó, nhà đầu tư thường chỉ quan tâm tới lãi suất, kỳ hạn và tên DN phát hành trái phiếu, chứ không có các tiêu chuẩn để tham khảo trước khi quyết định đầu tư.
Như vậy, điều đáng quan ngại là cuộc đua lãi suất của các tổ chức phát hành đang ngày một “nóng”, nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.
Cần theo dõi để có giải pháp ứng phó
Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, các DN muốn phát hành trái phiếu thành công phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, cũng như phải thỏa mãn các điều kiện tại Nghị định 163/2018 quy định về phát hành TPDN, cũng như cung - cầu, “khẩu vị” của nhà đầu tư trên thị trường.
Mặt khác, tình trạng huy động trái phiếu với lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành, quản lý thị trường đã được Chính phủ đặt mục tiêu từ trước. Do đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi, để nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường thì có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, đừng siết chặt mà nên để thị trường vận hành theo cơ chế của nó.
Một vấn đề khác cần đặt ra, hiện thị trường vẫn thiếu định chế tài chính trung gian làm cầu nối giữa người bán và người mua, mà cụ thể ở đây là các tổ chức, trung tâm xếp hạng tín nhiệm DN. Do đó, các tổ chức phát hành TPDN hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm, nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro.
Trong khi đó, 70% DN phát hành TPDN sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý.
Ngoài ra, hiện hầu hết TPDN trên thị trường được bán theo phương thức phát hành riêng lẻ, lên đến 93% - 95%, chỉ có khoảng 3% - 5% là phát hành đại chúng. Do đó, theo các chuyên gia, thị trường TPDN sẽ bền vững hơn nếu mở rộng phát hành cho đại chúng, chứ không chỉ tập trung ở một số DN, ngân hàng.
Để làm được điều này, cần yêu cầu các tổ chức phát hành TPDN tăng mức độ minh bạch, đồng thời phát triển xếp hạng tín nhiệm DN đối với DN phát hành trái phiếu, chỉ những DN được xếp loại tốt mới được cho phép phát hành TPDN.