Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tăng tốc ấn tượng

Minh Khôi

Tính đến thời điểm 24/6/2019 dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018. Với mức tăng ấn tượng này, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020. Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững thì còn nhiều việc phải làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến thời điểm 24/6/2019 dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP).

Với mức tăng ấn tượng này, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020. Tại Quyết định này, mục tiêu đề ra đối với dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP vào năm 2020.

Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, chủ trương phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng là hoàn toàn đúng đắn. Hiện nay, tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức, trong khi tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 6,1%.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ: Cẩn trọng 

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Trường Doanh Nhân BizLight cho rằng, hiện nay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, thậm chí lãi suất này cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng. Do vậy, đây cũng là kênh đầu tư khá hấp dẫn. 

Theo vị chuyên gia này, đầu tư trái phiếu thực chất là kênh đầu tư tài chính nên cần chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chỉ tham gia khi có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và có khả năng phân tích, dự báo các chỉ số tài chính.

Cụ thể, các nhà đầu tư cần phải biết phân tích, đo lường triển vọng của doanh nghiệp. Đồng thời, cần nhận thức được các rủi ro đi kèm, chẳng hạn: Bản chất của việc mua trái phiếu là cho doanh nghiệp vay vốn mà trường hợp này là vay vốn không thế chấp, vì vậy, khi doanh nghiệp phá sản nhà đầu tư có thể mất trắng vốn.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy các nhà đầu tư không chỉ thiếu kiến thức đầu tư mà còn thiếu cả thông tin chính xác về tình hình doanh nghiệp. Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phần đông số họ trong giai đoạn này vẫn chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ về trái phiếu doanh nghiệp họ đang nắm giữ. Nhà đầu tư cá nhân cũng hoàn toàn bất lợi trong việc tiếp cận, xử lý thông tin hay trong quá trình đàm phán, bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp hoặc rủi ro vỡ nợ.

Nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy thị trường phát triển bền vững

Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù đã có xu hướng mở rộng về quy mô trong 5 - 7 năm trở lại đây, nhưng vẫn còn khá nhỏ và chưa đáp ứng được vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, tới đây, Bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, trình Quốc hội dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, theo hướng: Thứ nhất, doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng phải xếp hạng tín nhiệm để nâng cao tính công khai, minh bạch; Thứ hai, gắn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với niêm yết, giao dịch trên TTCK để nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu; Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành, giao dịch giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Phát triển cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm các định chế đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân đầu tư chuyên nghiệp để đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, rà soát để rút ngắn quá trình chấp thuận. Đối với việc niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giao dịch trái phiếu để chuẩn hóa quy trình niêm yết, giao dịch, tăng tính thanh khoản của trái phiếu.

Ngoài ra, tiếp tục vận hành và nâng cấp chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan phát triển thị trường trái phiếu trong mối liên kết với thị trường tiền tệ. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi, tham vấn giữa cơ quan quản lý với các nhà tạo lập thị trường theo định kỳ về diễn biến thị trường và tình hình phát hành trái phiếu.