Cần lựa chọn những đại biểu có đủ tâm, đủ tài tham gia Quốc hội
Không lâu nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (22/5/2016), cử tri cả nước đã và đang thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là làm sao phải lựa chọn được những đại biểu có đủ tâm, đủ tài tham gia Quốc hội khóa XIV.
Chọn những người xứng đáng là đại biểu dân cử
Đến thời điểm này có thể thấy, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang được các địa phương trên cả nước gấp rút triển khai thực hiện để đảm bảo hoàn thành xong hết mọi thủ tục trước ngày 22/5- Ngày cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.
Theo đánh giá của Hội đồng Bầu cử quốc gia, đến nay, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã được thực hiện đúng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (có hiệu lực từ ngày 1/9/2015).
Theo đó, các quy trình, thủ tục được các địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc theo đúng Luật quy định. Cụ thể, các địa phương trong cả nước đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần 1 để xác định cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu; Hội nghị hiệp thương lần hai đã đưa ra danh sách sơ bộ người ứng cử, sau đó lấy ý kiến cử tri về người ứng cử tại nơi cư trú.
Theo nhận định của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gửi đến đều được các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục và quy trình; đảm bảo dân chủ, công khai, đúng luật, đạt yêu cầu cơ bản về cơ cấu, thành phần do Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã quyết định.
Điểm đáng chú ý là, sau Hội nghị hiệp thương lần hai, đã có 1.166 người đã được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách sơ bộ 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương; tại các tỉnh, thành phố đã có 969 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; số người được lập danh sách ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh là 7.462 người.
Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định rất cụ thể trình tự, thời gian của các hội nghị hiệp thương. Theo đó, các địa phương phải thực hiện đúng theo quy định, nếu thực hiện không đúng quy trình sẽ phải làm lại.
Tiếp tục nâng chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV
Ngày 22/5 tới đây, cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của mình, đi bỏ phiếu, bầu những đại biểu xứng đáng là người đại diện cho mình. Trong các bước chuẩn bị bầu cử, từ lúc xác định cơ cấu, thành phần theo luật định, cử tri đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV cần tiếp tục được nâng lên, để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Vì vậy, đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh: “Đại biểu phải dám nói và nói vấn đề đúng thực tế cuộc sống, phát biểu vừa có tính xây dựng nhưng phải gai góc”. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đại biểu thì cần phải nâng cao kinh nghiệm cuộc sống, nâng cao bản lĩnh.
Cũng theo đại biểu Đương, những đại biểu chuyên trách ở địa phương nắm bắt thực tế cuộc sống nhiều nên phát biểu có chất lượng, đấy thực sự là những người có kinh nghiệm.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, tiêu chuẩn của đại biểu đã quy định rất cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. “Nhưng muốn gì thì muốn, đại biểu Quốc hội phải đủ tầm, đủ tâm và đủ nhiệt huyết. Họ phải thực sự gần dân, đại diện cho dân. Vì anh có thể có tầm nhưng không thực sự đại diện cho dân, không lắng nghe dân, không vì dân thì khó có thể hoàn thành trách nhiệm của mình”, đại biểu An nói.
Để xứng đáng là đại biểu dân cử, đại biểu Quốc hội cần phản ánh được nguyện vọng, tâm tư của cử tri tới Quốc hội. Muốn vậy, đại biểu phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc liên hệ với nhân dân có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như tiếp xúc với người dân ở nơi đại biểu cư trú, hoặc tại cơ quan đại biểu làm việc, thậm chí có thể là ngay trong cuộc sống hàng ngày.
“Ngoài ra, đại biểu Quốc hội có thể liên hệ với người dân qua email, công khai số điện thoại. Tôi đã từng kiến nghị trước Quốc hội là nên để cử tri nơi mình ứng cử đánh giá định kỳ thậm chí 6 tháng một lần xem đại biểu làm có xứng đáng không, để từ đó đại biểu Quốc hội tự điều chỉnh mình, xem cái này mình làm tốt, cái này làm chưa tốt để khắc phục”, đại biểu Bùi Thị An nói./.