Cần “mạnh tay” hơn để giảm nợ đọng BHXH
Công khai danh tính các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thực hiện xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp trước khi làm thủ tục, quy trình khen thưởng hoặc trước khi tham gia đấu thầu dự án, cấp thẻ đi lại doanh nhân... là những giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm tỷ lệ nợ BHXH trong thời gian tới.
“Căng mình” giảm nợ đọng BHXH
Thời gian qua, ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ nợ BHXH và đã đạt được kết quả bước đầu. Điển hình với việc triển khai các giải pháp “mạnh tay” để giảm nợ BHXH là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, theo BHXH TP. Hà Nội, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 66.702 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT của 1.087.977 người lao động với tổng số tiền nợ 4.607,4 tỷ đồng (chiếm 9,5% số phải thu), tăng 1.800,5 tỷ đồng so với tháng 12/2019.
Trong đó, số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch là 1.157 tỷ đồng; nợ ngân sách nhà nước là 148,9 tỷ đồng. Đặc biệt, các đơn vị, DN đang hoạt động nợ BHXH tới 3.301 tỷ đồng, trong đó, tổng số nợ của các DN ngoài quốc doanh lên tới 2.655,5 tỷ đồng.
Cũng theo BHXH TP.Hà Nội, 48,2% tổng số nợ BHXH, BHYT (tương đương với 2.221,7 tỷ đồng) thuộc diện khó đòi. Trong đó có 1.157,3 tỷ đồng thuộc 9.807 đơn vị, DN đã giải thể, ngừng giao dịch, mất tích; 973,6 tỷ đồng của 1.704 đơn vị, DN nợ kéo dài trên 24 tháng dù đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc thu nhưng chưa hiệu quả.
Theo danh sách công khai gần nhất của BHXH TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 7/2020, đáng chú ý có Hợp tác xã Thành Công (trụ sở tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) đang nợ 12 tháng BHXH của 460 người lao động với tổng số tiền hơn 8,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 6 (trụ sở tại phường La Khê, quận Hà Đông) nợ 9 tháng BHXH của 720 người, tổng tiền 7,5 tỷ đồng.
Để giảm tình trạng nợ đọng BHXH, theo các chuyên gia, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH các cấp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc rà soát phân tích, kiểm tra để có cảnh báo, đôn đốc, xử lý nếu có vi phạm; đồng thời, tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT. Trường hợp cần thiết chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để khởi tố theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, còn có Công ty cổ phần phát triển giáo dục IGARTEN (trụ sở phường Mỹ Đình, Hà Nội) nợ 7 tháng BHXH của 559 người, tổng tiền 4,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Giovanni nợ 7 tháng BHXH của 145 người, tổng tiền 1,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (quận Hà Đông) đang nợ 20 tỷ đồng tiền BHXH.
Từ năm 2010 đến năm 2015, BHXH TP. Hà Nội đã khởi kiện 344 đơn vị với tổng số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện là 328,6 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn 36 đơn vị chưa chấp hành phán quyết của Tòa án, khi số nợ tính đến cuối tháng 6/2020 đã lên tới 90,8 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp rất khó duy trì sản xuất kinh doanh, sản phẩm bị ùn ứ, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, khiến doanh thu sụt giảm. Do đó, doanh nghiệp khó cân đối thu, chi, nhất là tìm nguồn trích nộp BHXH, BHYT.
Tương tự, tình trạng nợ đọng BHXH tại TP. Hồ Chí Minh cũng có chiều hướng tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/7/2020, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động trên địa bàn Thành phố là hơn 5.245 tỷ đồng.
"Sau khi trừ số tiền nợ dưới 1 tháng thì tổng số tiền nợ còn lại là 2.592 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nợ là 3,5% so với kế hoạch thu của BHXH Việt Nam giao. Nếu trừ nợ khó thu 542 tỷ đồng thì số tiền nợ còn lại là 2.050 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,8%, tăng so với cùng kỳ năm trước là 0,9% và giảm so với tháng trước là 0,36%", ông Mến chia sẻ.
Theo BHXH TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đôn đốc thu nợ bảo hiểm gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều phương pháp nhằm thu hồi nợ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Triển khai các giải pháp “mạnh” để giảm tỷ lệ nợ BHXH
Để giảm tình trạng nợ đọng BHXH, theo các chuyên gia, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH các cấp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc rà soát phân tích, kiểm tra để có cảnh báo, đôn đốc, xử lý nếu có vi phạm; đồng thời, tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT. Trường hợp cần thiết chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để khởi tố theo quy định pháp luật.
BHXH TP. Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ phân tích, phân loại nợ theo loại hình sản xuất kinh doanh, theo thời gian nợ, nguyên nhân nợ; kịp thời nắm bắt, đánh giá năng lực, khả năng tài chính của từng DN… để có giải pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, các đơn vị sẽ bám sát, đôn đốc thu nợ ngay khi có dấu hiệu doanh nghiệp chậm đóng từ 1 tháng.
Cùng với đó, cơ quan BHXH thường xuyên đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ tại BHXH các huyện; đôn đốc, kiểm tra việc đóng nộp BHXH, qua đó yêu cầu các đơn vị, DN thực hiện nghiêm Luật BHXH, Luật BHYT; phối hợp với các cơ quan liên quan của Thành phố (Thanh tra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an và Cục Thuế) thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH.
Bên cạnh các giải pháp trên, BHXH TP. Hà Nội sẽ công khai danh tính các đơn vị, DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp trước khi làm thủ tục, quy trình khen thưởng hoặc trước khi tham gia đấu thầu dự án, cấp thẻ đi lại doanh nhân…
Áp dụng biện pháp “mạnh tay” hơn là BHXH TP. Hồ Chí Minh trong tháng 7/2020 đã kiến nghị Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra, khởi tố 20 doanh nghiệp trốn đóng BHXH theo Bộ luật Hình sự. BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đầu tiên trong Ngành đề nghị khởi tố DN tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017…
Tin tưởng rằng, từ những biện pháp “mạnh tay” của cơ quan BHXH các cấp, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ có chuyển biến giảm trong thời gian tới.