Cần tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế

Theo TBKTSG

Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse, ông Kai Nargolwala nhận định kinh tế Việt Nam đã chính thức vượt suy thoái và đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam cần phải xem xét tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế.

Credit Suisse đã đánh giá rằng Việt Nam đang phục hồi tốt. Ông có thể dẫn ra những ví dụ chứng minh?

Theo các nghiên cứu của chúng tôi thì Việt Nam đang vượt qua cơn suy thoái. Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2009 của Việt Nam lên 5,3% và trong năm 2010 sẽ là 8,5% (các con số chính thức của Việt Nam đưa ra lần lượt là 5,2% và 6,5% - NV). Tiêu thụ trong nước và dự đoán phục hồi về đầu tư và xuất khẩu là lý do chính cho sự lạc quan của chúng tôi.

Thâm hụt thương mại từ tháng 1 tới tháng 9 ở mức 6,5 tỉ đô la Mỹ cho thấy tổng thâm hụt năm nay có thể lên tới 11 tỉ đô la Mỹ. Ông có bình luận gì về con số này?

 Tôi nghĩ không hẳn thâm hụt thương mại đem đến điều tồi tệ. Thâm hụt có thể do Việt Nam đang nhập khẩu nhiều hàng hóa để đầu tư cho hạ tầng. Trước mắt thì chúng ta nhìn thấy thâm hụt nhưng tương lai nó có thể tạo ra giá trị lớn cho xã hội. Chuyện các doanh nghiệp Việt Nam quay trở lại thị trường nội địa và gặt hái những thành công cũng là một tín hiệu tốt.

Việt Nam dự kiến tiếp tục có gói kích cầu thứ hai, ông thấy có nên không?

Quan trọng hơn việc hỏi nên có gói kích cầu thứ hai không là trả lời câu hỏi nên chấm dứt gói thứ nhất như thế nào trước đã. Hiện Việt Nam đang hỗ trợ lãi suất nhưng nếu muốn ngừng hỗ trợ cũng cần có thời gian để chuyển giao chứ không nên cắt đột ngột.

Chính phủ Việt Nam sẽ là người đánh giá tốt nhất việc này vì Chính phủ có thông tin, dữ kiện để biết cái gì đúng, cái gì sai và đưa ra quyết định sáng suốt. Nếu nhìn lịch sử phát triển và việc quản lý tài chính ở Việt Nam so với nhiều nước thì tôi thấy Việt Nam làm tốt hơn.

Tôi nghĩ với xu hướng hiện nay rất khó tìm ra quốc gia nào quay trở lại được mức GDP trước khủng hoảng. Các bạn cũng cần xem xét từ góc độ toàn bộ xã hội vì có những bộ phận dân số thiệt thòi vì thiên tai, dịch bệnh.

Tín dụng sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhờ kích cầu. Bài học và kinh nghiệm đề phòng rủi ro ở đây là gì?

Để đối phó và quản lý rủi ro thì nên xem gói kích cầu được thực hiện thế nào, trong hay ngoài hệ thống tài chính. Ví dụ, Mỹ kích cầu bằng việc cho tiền người dân mua ô tô, điều đó mới chỉ tác động đến người bán ô tô chứ chưa tác động đến hệ thống tài chính trực tiếp.

Nhưng ở Việt Nam, các bạn có gói hỗ trợ lãi suất chính là biện pháp tác động ngay vào hệ thống ngân hàng. Việc kiểm soát của Chính phủ ở đây rất quan trọng để tránh khủng hoảng tài sản.

 Chính phủ khi đưa ra việc kích cầu là để gạt đi mọi lo ngại của người tiêu dùng và giúp thị trường hoạt động trở lại. Chính phủ có vẻ như giúp doanh nghiệp, người dân nhưng thực ra là giúp thị trường. Nếu muốn đánh giá hiệu quả gói kích cầu, trước tiên hãy đối chiếu xem mục tiêu đặt ra có đạt được hay chưa?

Ví dụ, mục tiêu đặt ra như không bị khủng hoảng kinh tế, sản xuất hoạt động, các ngân hàng ổn định, người nghèo được hỗ trợ. Rõ ràng ta thấy với gói kích cầu thứ nhất, các mục tiêu đặt ra đều đã đạt.

Nhìn rộng hơn trong khu vực, ông đánh giá thị trường Việt Nam như thế nào? Cái gì sẽ tạo nên sự phát triển bền vững của thị trường tài chính non trẻ của chúng tôi?

Việt Nam có những bước phát triển vững chắc kể từ khi bắt đầu cải cách thị trường vào năm 1986. Việt Nam mở rộng nền kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng 8%/năm trong suốt năm năm trở lại đây.

Về lâu dài, Việt Nam cần phải xem xét tiếp tục cải cách cơ cấu, chẳng hạn như, việc giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đồng đô la Mỹ. Để phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của thị trường chứng khoán còn non trẻ, cũng cần tinh giản quá trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài và giảm mức giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam?

Chỉ số VN-Index tăng gần 79% từ đầu năm, đạt 566,42 điểm vào ngày 7/10, và được xếp hạng một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trên toàn cầu năm 2009. Cuộc đua tăng tín dụng của các ngân hàng sôi động kể từ tháng 4, nhưng chúng tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cho vay để chống lại các nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản trong thời gian tới.

Những lĩnh vực nào của nền kinh tế ông cho rằng sẽ hoạt động hiệu quả nhất?

Dựa trên nghiên cứu riêng, chúng tôi cho rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực phát triển chính. Hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xuất khẩu sẽ đạt được hiệu quả từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày sẽ thu lợi khi nhu cầu thế giới phục hồi. Các ngành công nghiệp khác như sản xuất thiết bị điện gia dụng, đồ điện tử cũng hứa hẹn sẽ phát triển nhanh trở lại khi có nhiều dòng sản phẩm mới ra đời cũng như nguồn cầu tăng trở lại.

Các ngành sẽ phát triển trở lại khác bao gồm dầu thô (khi giá quốc tế ở mức ổn định) và các sản phẩm nông nghiệp, khi giá lương thực phục hồi.

Trong nước, thị trường bán lẻ cũng sẽ phát triển tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc đầu tư trung và dài hạn vào bất động sản trong thời gian này. Ngành du dịch có thể bị suy yếu do tác động của suy thoái toàn cầu kéo dài.