Cẩn trọng với lạm phát

Theo daibieunhandan.vn

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất điều hành xuống 0,25%/năm và lãi suất cho vay xuống 0,5%/năm. Theo các chuyên gia, đây là động thái để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 18%, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch là 6,7%. Tuy nhiên, cần thận trọng với việc tăng trưởng tín dụng cũng như lấy đó làm tiêu chí bảo đảm tăng trưởng GDP.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoàn toàn khả thi

Bình luận về động thái giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay của NHNN mới đây, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. LS Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là cách để NHNN bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch là 6,7%.

Theo đó, 5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tín dụng trung bình 13 - 14%/năm, với việc giảm lãi suất cho vay 0,5% thì mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này có thể lên 16 - 17%, góp sức thêm cho tăng trưởng tín dụng chung.

Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất điều hành 0,25%/năm sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm chi phí huy động vốn, giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực không thuộc phạm vi của 5 lĩnh vực ưu tiên, qua đó hỗ trợ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong các tháng cuối năm.

Dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cuối tháng 6 vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng chung trong 6 tháng đầu năm đạt 7,7%, ông Tín nhận định: “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay đạt 18% là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể vượt mức kế hoạch”. Bởi lẽ, trung bình những tháng gần cuối năm, tăng trưởng tín dụng đạt 2 - 3%/tháng, riêng quý IV sẽ đạt từ 4 - 6%.

Điều này khác với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng Việt Nam chỉ nên giữ mức tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, còn Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 18% là “quá cao”.

Đồng tình quan điểm NHNN hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra, song chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại tỏ ra băn khoăn bởi việc giảm lãi suất mới thực hiện từ ngày 10/7. “Với việc giảm lãi suất điều hành 0,25% thì NHNN có thể kiểm soát được, vì chính NHNN cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu đối với các NHTM.

Còn việc kêu gọi các NHTM giảm lãi suất 0,5% không nằm trong quyền kiểm soát của NHNN. Do đó, sẽ không có gì bảo đảm các NHTM cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đúng như NHNN mong muốn. Do vậy, vẫn cần phải chờ xem các NHTM thực hiện chỉ đạo của NHNN như thế nào”, vị chuyên gia này thận trọng.

Thận trọng khi gắn với tăng trưởng GDP

Theo Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/6/2017 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, NHNN phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm nay đạt trên 18%.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, “cần hết sức thận trọng”. Bởi “trong một nền kinh tế ổn định thì mức tăng trưởng tín dụng vào khoảng 2,5 lần GDP. Như vậy, với mức tăng GDP cả năm là 6,7% thì mức tăng tưởng tín dụng tương ứng khoảng 16,75%.

Nếu đẩy quá nhiều tín dụng vào nền kinh tế mà hiện tại các ngân hàng cho vay rất nhiều vào bất động sản sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro như tạo ra “bong bóng bất động sản, trong khi các ngành kinh tế khác không được hưởng nhiều nguồn vốn từ ngân hàng”.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu tập trung lo tăng trưởng tín dụng thì nguy cơ lạm phát là tất yếu. TS. Bùi Quang Tín phân tích, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tiếp tục tăng trưởng tín dụng đồng nghĩa phải tiếp tục tăng nguồn cung tiền đổ vào nền kinh tế.

Điều này dễ khiến lạm phát vượt mốc 4% theo kế hoạch đặt ra. Việc NHNN hạ mức lãi suất điều hành một cách thận trọng, tức là xuống 0,25%/năm và lãi suất cho vay xuống 0,5%/năm là cần thiết để kiểm soát lạm phát trong mức 4%.

Ngoài ra, trong thời gian qua, ngân hàng tương đối dồi dào thanh khoản do nguồn vốn giải ngân đầu tư công chậm khiến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào hệ thống ngân hàng tăng trên 50% so với cuối năm 2016.

Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, lượng tiền này vào khoảng gần 150.000 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ giờ đến cuối năm phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đồng nghĩa dòng tiền nằm trong ngân hàng sẽ được “bung” vào nền kinh tế.

“Điều này cần được lưu ý bởi nếu tiền của Kho bạc Nhà nước rút ra khỏi hệ thống ngân hàng để giải ngân vốn đầu tư công sẽ dễ gây ra lạm phát. Do đó, NHNN cần kiểm soát tốt”, ông Tín nhấn mạnh.

Thừa nhận việc tăng trưởng tín dụng 18% hoàn toàn có khả năng đạt được, song các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc lấy tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng GDP cũng cần hết sức cẩn trọng bởi ẩn chứa nhiều rủi ro.

Bởi thứ nhất, tăng trưởng tín dụng luôn đi liền nợ xấu, mà những khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2017 lại không được xử lý theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được thông qua. 

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng luôn đi kèm với “bong bóng” của các thị trường không liên quan đến lãi suất kinh doanh như chứng khoán, bất động sản… Trong khi hiện nay, các ngân hàng đều muốn cho vay vào bất động sản và chứng khoán. 

Thứ ba,việc tăng trưởng tín dụng có đi đúng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị thực của nền kinh tế hay không? Bởi sẽ có tình trạng ngân hàng chỉ đáp ứng tiêu chí số lượng hơn là chất lượng, trong khi NHNN yêu cầu tăng trưởng tín dụng phải thực chất.

Do vậy, các NHTM cần quản lý rủi ro chặt chẽ, cho vay đúng mục đích, đúng địa chỉ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh thay vì tập trung vào bất động sản và chứng khoán. Muốn vậy, NHNN phải kiểm soát tốt các NHTM.