Vàng, lãi suất âm và căng thẳng Mỹ - Trung
Giá vàng có thể đi được bao xa sau khi đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng ở cả Việt Nam và thế giới?
Giá vàng và lãi suất âm
Giá vàng thế giới đã tăng lên trên 1.730 USD/ounce và vượt khỏi hình tam giác giới hạn đà tăng kể từ tháng 4, chính thức hình thành mẫu hình đột phát tăng lên, hướng về các cột mốc 1.750 và 1.780 USD/ounce. Trong nước, giá vàng cũng niêm yết ở mức 48,5 triệu đồng/lượng, chỉ còn thấp hơn mức đỉnh 49 triệu đồng/lượng của tháng 2 năm nay.
Giá vàng được thúc đẩy trong thời điểm từ ngày 8 đến 13/5 nhờ việc giới đầu tư đánh cược trên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực thi lãi suất âm, điều mà giới đầu cơ vàng dự đoán sẽ đẩy giá vàng lên thẳng mức 1.900-2.000 USD/ounce trong vòng 3 tháng.
Vì sao lãi suất âm của USD có thể ảnh hưởng đến giá vàng? Đó là vì thông thường, giá USD mạnh, thì vàng sẽ khó tăng. Chỉ số USD index (phản ánh sức mạnh USD so với một rổ các đồng tiền dự trữ quốc tế chính khác) đã tăng lên kể từ mức dưới 100 của tháng 3, góp phần kiềm chế đà tăng của vàng.
Một mức lãi suất âm cũng được dự đoán sẽ kéo USD giảm giá trở lại so với nhiều đồng tiền chính như euro hay bảng Anh. Nó có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương quyết định giảm nắm giữ dự trữ ngoại hối bằng các tài sản định giá bằng USD như giấy tờ có giá của Mỹ và đổi qua giữ vàng. Các nhà đầu cơ vàng tin rằng, ngân hàng trung ương các nước sẽ tăng mua vàng làm dự trữ, thay vì giữ USD và lãi suất USD âm sẽ củng cố cho niềm tin đó của họ.
Mặt khác, lãi suất âm ở Mỹ đồng nghĩa thừa nhận kinh tế Mỹ ở vào trạng thái vô cùng khó khăn, do đó có thể hỗ trợ vàng về dài hạn, với tư cách là kênh trú ẩn an toàn.
Thế nhưng, những nhà đầu tư vàng đã một phen thất vọng khi Chủ tịch Fed Jerome Powell thẳng thừng bác bỏ ý tưởng lãi suất âm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi gợi. Với công cụ hiện tại trong tay là mua trái phiếu và tiếp tục các chương trình cho vay hỗ trợ thanh khoản, Fed có vẻ đã hài lòng với những gì đang diễn ra trên thị trường tài chính, mặc dù khẳng định là kinh tế Mỹ vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Số người thất nghiệp của Mỹ đã lên tới con số 36 triệu và 40% hộ gia đình của thu nhập thấp ở Mỹ có người thất nghiệp. Tuy nhiên, hỗ trợ nền kinh tế của những người có thu nhập thấp không phải là địa phận của Fed, mà là vấn đề của chính sách tài khóa. Vì vậy, Fed nhiều khả năng vẫn không xem xét đến vấn đề lãi suất âm, nhất là khi thị trường tài chính đang có dấu hiệu bình ổn.
Diễn biến trên tưởng là đã kéo giá vàng giảm trở lại, song giá vàng vẫn tăng. Một phần vì nhà đầu tư vẫn tin rằng, Fed phải bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế và như vậy đủ khiến những người thiếu niềm tin vào USD mua vàng dự trữ. Nhưng một mặt bằng hỗ trợ quan trọng khác là diễn biến bất ổn địa chính trị khác: căng thẳng Mỹ - Trung.
Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục bị đẩy lên cao
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung bị đẩy ra khỏi phương diện kinh tế và dịch bệnh và đang tiến lên đến một cuộc căng thẳng toàn diện. Thượng viện Mỹ vừa đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc và thông qua dự luật người Duy Ngô Nhĩ.
Dự luật người Duy Ngô Nhĩ yêu cầu Nhà Trắng báo cáo với Quốc hội những người được coi là chịu trách nhiệm ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Những cá nhân này sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như đóng băng tài sản ở Mỹ và bị từ chối nhập cảnh. Điểm đáng chú ý là, trong danh sách này, có thể sẽ có những cái tên như Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc. Phía Trung Quốc từng cảnh báo sẽ có hành động trả đũa, nếu Mỹ xem các quan chức Trung Quốc là mục tiêu trừng phạt.
Trong khi đó, trên khía cạnh kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bày tỏ quan điểm là 100 hiệp định thương mại cũng không bù đắp được tổn thất do dịch bệnh. Tuyên bố này khiến giới quan sát lo ngại tương lai của thương mại Mỹ - Trung sẽ u ám. Chưa hết lo ngại về thương mại là đến lo ngại về dòng tiền đầu tư. Mỹ vừa ra lệnh cho các quỹ hưu trí liên bang không đầu tư vào công ty Trung Quốc. Động thái này có thể được đáp trả bằng việc Trung Quốc sẽ bán ra các tài sản dự trữ của Mỹ, mà khởi đầu là trái phiếu Mỹ.
Cuộc đáp trả qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhiều học giả Trung Quốc đã đăng đàn đáp trả đe dọa cắt quan hệ của Mỹ, cho rằng, nếu Mỹ đơn phương cắt quan hệ, thì “người Mỹ sẽ phải trả giá đắt hơn Trung Quốc" - trích lời ông Jin Canrong, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS).
Tuy nhiên, phát biểu đáng chú ý nhất của ông Jin khi trả lời Tờ Global Times là về vấn đề Đài Loan. Ông nói: “Chúng tôi trước đây không giải quyết vấn đề Đài Loan vì muốn duy trì quan hệ Mỹ - Trung. Nếu Washington cắt quan hệ, chúng tôi có thể lập tức thu hồi Đài Loan”.
Những luận điệu của ông Jin về vấn đề này không mới và đây là một đại diện của một bộ phận quan chức của Trung Quốc có lập trường cứng rắn về vấn đề Đài Loan trong quan hệ với Mỹ. Nhưng những phát biểu này ở thời điểm hiện tại có tính nhạy cảm và có thể thổi bùng một loạt hành động tiếp theo của Mỹ.
Đây không phải là tin tốt với thị trường cổ phiếu. Mặc dù giá cổ phiếu thị trường châu Á tăng lại sau 2 ngày liên tục giảm mạnh, nhưng khi thị trường mở cửa ngày 15/5, nhà đầu tư vẫn hết sức quan ngại với những động thái căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Những động thái này đe dọa tiến trình hồi phục của kinh tế thế giới sau khi nhiều nền kinh tế chính mở cửa lại và đánh vật với một trạng thái bình thường mới.
Giới quan sát vẫn thận trọng cho rằng, nhiều cố vấn của Tổng thống Trump sẽ cố gắng làm dịu tình hình hiện tại, vì Mỹ đang cần hồi phục kinh tế hơn bao giờ hết để củng cố cho quá trình chạy đua nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông. Tuy nhiên, ở góc độ khác, một bộ phận không nhỏ cử tri ủng hộ ông Trump và những chính trị gia Đảng Cộng hòa lại muốn nhìn thấy những động thái cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc.
Hơn nữa, đổ lỗi cho Trung Quốc cũng là một cách hữu hiệu để ông Trump đánh lạc hướng dư luận đang chú ý vào số người chết do các biện pháp chống dịch chậm trễ của Chính quyền Mỹ. Vì vậy, thị trường tài chính đang như “đi trên dây” giữa các lựa chọn của Trump, người vốn rất khó đoán với những dòng Tweet và phát biểu trực tiếp trong họp báo của mình - ngay cả với những người thân cận nhất với ông.
Trong bối cảnh đó, vàng được hỗ trợ vì nhiều nhà đầu tư và ngân hàng trung ương ở châu Á vẫn ưa thích vàng. Nếu với các nhà đầu tư phương Tây, nơi trú ẩn an toàn là trái phiếu, quỹ thị trường tiền tệ (là một dạng gửi tiền lãi suất thấp, nói cách khác là cầm tiền mặt), thì với nhà đầu tư ở châu Á, vàng là phương tiện trú ẩn an toàn.
Mặc dù tôi không đồng tình với cách nói vàng là phương tiện trú ẩn an toàn, hay cho rằng, cứ Mỹ in tiền hay giữ lãi suất âm, thì vàng phải lên dài hạn. Rất nhiều phân tích và các kiểm chứng học thuật cho thấy, không có mối quan hệ cụ thể nào giữa giá vàng và việc in tiền của Fed, cụ thể là Fed cứ việc in tiền và tăng bảng cân đối kế toán suốt từ năm 2012 đến nay, nhưng vàng lại giảm mạnh từ 1.800 xuống dưới 1.200 USD/ounce và nằm ở đó một thời gian dài trước khi tăng lại khi những bất ổn kinh tế bắt đầu lộ rõ.
Vàng tăng giá cũng giống như bitcoin tăng giá, là do niềm tin và do hoạt động mua bán của nhà đầu tư, chứ không phải vì bản chất nó an toàn hay không. Nói cách khác, nó cũng như cổ phiếu, chỉ là công cụ đầu tư và thay đổi vì dòng tiền và niềm tin hơn.
Nay nếu người ta tin rằng, bất ổn chính trị tốt cho vàng, thì giá vàng sẽ lại tăng mà thôi. Những nhà phân tích kỹ thuật đang nói về những mức giá kỹ thuật ở 1.775 và trên 1.800 USD/ounce. Hãy chờ xem vàng có thể đi được bao xa…
* Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh)