Mỹ - Trung Quốc: Cuộc khẩu chiến mới

Theo Hà Linh/The Economist/baoquocte.vn

Có thể đã có hy vọng đại dịch sẽ đưa thế giới lại gần nhau hơn, nhưng thực tế Covid-19 khiến mâu thuẫn thêm sâu sắc. Cùng với sự lây lan của đại dịch, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sa vào cuộc khẩu chiến mới. Bình luận của tờ The Economist.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định ông có “bằng chứng khủng” về việc Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán mặc dù các cơ quan tình báo của Mỹ và một số đồng minh khẳng định còn thiếu chứng cứ. Để trừng phạt Trung Quốc làm lây lan dịch bệnh, Chính quyền Tổng thống Trump dường như đã tính đến việc đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hoặc hủy một lượng trái phiếu chính phủ mà Trung Quốc đang nắm giữ. Tuy nhiên, thông tin này sau đã bị chính một số quan chức Mỹ bác bỏ. Trung Quốc gọi Ngoại trưởng Pompeo là “virus chính trị”. Báo chí Trung Quốc kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về “sự thất bại không thể tin được” của Mỹ trong ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh.

Gia tăng thù địch

Những chỉ trích này làm cho cạnh tranh chiến lược thêm sâu sắc. Quan điểm chủ đạo ở Mỹ là Trung Quốc về cơ bản là thù địch, là đối thủ cạnh tranh, chủ trương ăn trộm sở hữu trí tuệ của Mỹ và hủy diệt công ăn việc làm của người Mỹ để tranh đua vượt lên trước. Ngược lại, Trung Quốc coi Mỹ là một quốc gia tồi tệ và suy yếu, bắt nạt để kiềm chế Trung Quốc vì Mỹ không còn khả năng cạnh tranh công bằng với Trung Quốc. Chính trị nội bộ ở cả hai nước càng làm gia tăng thù địch.

Giờ đây khi Covid-19 đe dọa xóa sổ thành tựu kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump, ông coi việc đối đầu với Trung Quốc là thành tố trung tâm trong chiến lược tái cử của ông ta nhằm đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Trung Quốc phản bác tất cả cáo buộc về đại dịch, và nhấn mạnh thành công quản lý dịch bệnh của chính quyền. Thông tin virus xuất phát từ Mỹ được truyền thông Trung Quốc truyền tải rộng rãi và được nhiều người dân Trung Quốc tin là thật.

Tuy nhiên, chỉ trích của Mỹ về việc Trung Quốc đã cố tình che giấu thông tin trong thời gian đầu của dịch bệnh là đúng. Các nước khác như Australia cũng đã kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch. Vừa qua, Reuters đã đưa tin về một báo cáo nội bộ trình lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo về tâm lý chống Trung Quốc trên thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989 trong đó Mỹ dẫn đầu. Và Trung Quốc sẽ phản công lại chỉ trích của nước ngoài mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hệ lụy và nguy cơ

Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ kéo theo những hệ lụy. Một là nguy cơ xuất hiện hành động quân sự. Trung Quốc đã chiếm đóng và kiên cố một số đảo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Gần đây, Trung Quốc đã đánh chìm tàu Việt Nam ở khu vực tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc tự do hàng hải. Khi căng thẳng tăng cao, nguy cơ đụng độ cũng gia tăng.

Điểm nóng nguy hiểm nhất vẫn là Đài Loan. Chắc chắn là cả Trung Quốc và Mỹ đều không theo đuổi chiến tranh. Tuy nhiên, cả hai đều cố thúc đẩy tiến bộ trong các hồ sơ kinh tế. Như báo cáo đặc biệt của The Economist tuần này chỉ ra hiện Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống tài chính song song nhằm tránh các cơ chế thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD, và qua đó tránh các trừng phạt của Mỹ. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc trong giai đoạn trước dịch Covid-19 có khả năng sẽ đổ vỡ.

Sự thù địch ảnh hưởng bất lợi đến hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và tội phạm quốc tế. Trong tuần này, EU tổ chức hội nghị kêu gọi tài trợ, huy động được 8 tỷ USD để hỗ trợ cho việc tìm kiếm vaccin để cứu sinh mạng con người và để đưa nền kinh tế hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Mỹ đã đứng ngoài cuộc và Trung Quốc chỉ cử cấp Đại sứ tham dự mà không có bất cứ cam kết nào. Để đưa ra những quyết định như vậy, chắc hẳn điều gì đó rất tệ hại đã xảy ra ở Washington và Bắc Kinh.